Ngày 21-7, phiên tòa xét xử vụ án "Chuyến bay giải cứu" tiếp tục với phần đối đáp của đại diện VKSND TP Hà Nội với các luật sư và bị cáo.
Tráo trở, gian dối
Bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng Phòng 5 Cơ quan An ninh Điều tra - Bộ Công an) trong quá trình điều tra truy tố cho rằng cơ quan tố tụng đã áp đặt, sử dụng chứng cứ một chiều, nhiều lần đề nghị VKSND chứng minh hành vi phạm tội.
Đại diện VKSND khẳng định việc khởi tố, điều tra, truy tố bảo đảm khách quan, đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội) đã thừa nhận hành vi như cáo trạng quy kết, bị cáo Hưng không thừa nhận và cơ quan tố tụng đã áp dụng nhiều biện pháp điều tra để chứng minh về việc này.
"Các bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thị Thanh Hằng (cựu Phó Giám đốc Công ty Blue Sky), Lê Hồng Sơn (Giám đốc Công ty Blue Sky) đều có lời khai giống nhau, không có sự bàn bạc thống nhất, phù hợp khách quan. Do vậy, VKSND sử dụng lời khai của các bị cáo này để chứng minh hành vi của bị cáo Hưng" - đại diện VKSND nêu.
Cùng với phần đối đáp, VKSND đã công bố đoạn clip tài xế của bị cáo Tuấn mang chiếc cặp được cho là chứa 450.000 USD cho Hưng; đồng thời khẳng định bị cáo đã không trung thực, tráo trở khi nói chiếc cặp không chứa 450.000 USD mà đựng 4 chai rượu vang.
Với việc bị cáo Hưng khẳng định không hướng dẫn Hằng khai, đại diện VKSND cho rằng thực tế cho thấy có những thông tin thuộc bí mật điều tra liên quan đến vụ án, nếu Hưng không cho biết thì các bị cáo Tuấn, Sơn, Hằng không thể biết được để khai báo với cơ quan điều tra…
Về số tiền 800.000 USD mà Hưng nhận từ bị cáo Tuấn được chia làm 2 lần, một lần 350.000 USD và một lần 450.000 USD. Lần nhận 350.000 USD trùng khớp với tờ giấy Hằng ghi lại, thể hiện chi tiết ngày tháng, số tiền mà Hằng chuẩn bị đưa cho Tuấn để đưa cho Hưng; phù hợp với thời gian mà bị cáo Tuấn khai nhận cũng như dữ liệu lịch sử cuộc gọi giữa hai người. Với lần 450.000 USD, clip trích xuất từ camera tại khu vực cổng Bộ Công an ghi lại quá trình Hưng nhận chiếc cặp số, Hưng là người chủ động gọi cho Tuấn. Nếu chỉ tặng 4 chai rượu thì từ ngày 4 đến 5-12-2022, không cần liên tục gọi điện cho nhau như vậy. "Tại phiên tòa, bị cáo Hưng luôn quanh co, chối tội, xúc phạm cơ quan điều tra, viện kiểm sát, gây áp lực với bị cáo khác" - kiểm sát viên đánh giá.
Được đối đáp, bị cáo Hưng đề nghị làm rõ số tiền Hằng chi chạy án 43 tỉ đồng đã đi đâu khi khai đưa Hưng 18 tỉ đồng? Đồng thời cho rằng có clip nhưng không có lời khai, hình ảnh nào thể hiện chiếc cặp bị cáo cầm bên trong có 450.000 USD.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi
Bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) bị cáo buộc nhận hối lộ với số lần nhiều nhất, số tiền nhiều nhất và thủ đoạn cũng trắng trợn nhất trong số các bị cáo (253 lần nhận hối lộ, tổng số tiền hơn 42 tỉ đồng, bị đề nghị tử hình).
Tại phần đối đáp, đại diện VKSND đánh giá hành vi phạm tội của bị cáo trong thời điểm dịch COVID-19 đã làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp, chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước; làm mất niềm tin trong nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín cơ quan nhà nước. Theo tài liệu điều tra, có tổng cộng 19 doanh nghiệp đưa tiền cho Kiên. Trong đó, 12 doanh nghiệp bị Kiên yêu cầu đưa từ 150 - 200 triệu đồng/chuyến bay được cấp phép và 1 - 2 triệu đồng/khách lẻ về nước. Trong số 7 doanh nghiệp còn lại, có 4 doanh nghiệp Kiên không yêu cầu đưa tiền nhưng các doanh nghiệp phải cân đối để tự đưa tiền.
Đánh giá chung về vụ án, đại diện VKSND nhắc lại tại phiên tòa, một số luật sư nêu quan điểm hành vi đưa nhận tiền của các bị cáo không có sự hứa hẹn, thỏa thuận, đòi hỏi mà là tự nguyện cảm ơn hoặc là vô ý. Về nội dung này, công tố viên khẳng định các bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, trực tiếp hoặc qua trung gian nhận tiền của đại diện các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được cấp phép các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước trong thời gian dịch COVID-19 theo yêu cầu của người đưa tiền. "Không thể có những món quà cảm ơn có giá trị rất lớn, bất thường và tiền tỉ như vậy nếu như không làm một việc gì đó theo yêu cầu của người đưa tiền" - kiểm sát viên nêu rõ.
Một số bị cáo được đề nghị giảm 1 năm tù
Trong ngày, đại diện VKSND đề nghị HĐXX giảm 1 năm so với lần đề nghị ban đầu đối với một số bị cáo. Cụ thể:
Tội "Nhận hối lộ", bị cáo Chử Xuân Dũng, cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Vũ Hồng Nam, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, bị đề nghị từ 3 - 4 năm tù (trước đó 4 - 5 năm); Trần Văn Tân, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, 7 - 8 năm (trước đó 8 - 9 năm); Trần Văn Dự, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), 8 - 9 năm tù (trước đó 9 - 10 năm).
Tội "Đưa hối lộ", "Môi giới hối lộ", Vũ Thùy Dương, Giám đốc Công ty Lữ Hành Việt; Phạm Bá Sơn, nhân viên Công ty Thái Hòa; Tào Đức Hiệp, Giám đốc Công ty Công đoàn Đường sắt; Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty Thương mại và Du lịch Việt Nam, đề nghị cho hưởng án treo (trước đó các bị cáo bị đề nghị từ 18 tháng đến 3 năm tù giam).
Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn đã khắc phục toàn bộ số tiền hơn 1,85 triệu USD, đề nghị 5 - 6 năm tù (trước đó 6 - 7 năm).
Lời nói sau cùng
Tối cùng ngày, các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi HĐXX nghị án. Bị cáo Tô Anh Dũng chia sẻ đã dành cả đời phấn đấu, luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bị cáo đã mắc phải sai lầm hết sức nghiêm trọng, vô cùng ăn năn, hối hận.
Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn nói việc phải đứng trước tòa là điều rất đau xót, vấp ngã khi mà chuẩn bị nghỉ hưu, bị cáo rất ăn năn với lỗi lầm của mình. Bị cáo đang mắc bệnh ung thư thực quản, mong HĐXX xem xét cho bị cáo một mức án để sớm có thể trở về.
Trong khi đó, bị cáo Hoàng Văn Hưng tiếp tục khẳng định bị oan, "sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng mình để tìm lại sự trong sạch của bản thân".
Theo Nguyễn Hưởng (Nld.com.vn)