Bị đưa ra tòa xét xử sơ thẩm là 12 bị cáo, trong đó 8 người từng là lãnh đạo, cán bộ của BIDV. Các bị cáo lần lượt bị đưa ra xét xử về các tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng " và "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Theo cáo trạng truy tố, từ năm 2008 đến 2016, ông Trần Bắc Hà giữ chức vụ chủ tịch HĐQT BIDV, đại diện vốn Nhà nước tại tổ chức tín dụng này. Lợi dụng chức vụ và quyền hạn, ông Hà đã có hàng loạt sai phạm, lấy danh nghĩa BIDV trực tiếp thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư tại Hà Tĩnh cho doanh nghiệp "sân sau".
Ông Trần Bắc Hà đã chỉ đạo những cán bộ dưới quyền cho Công ty Bình Hà và Công ty Trung Dũng vay tiền, dù cả 2 doanh nghiệp đều không đủ điều kiện cấp tín dụng, dẫn đến BIDV bị thiệt hại hơn 1.600 tỷ đồng.
Sẽ thu hồi được tiền vốn trong 8 năm!?
Bảo về quyền lợi cho BIDV tại phiên tòa, luật sư Nguyên Huy Thiệp nêu quan điểm, về số tiền dư nợ hơn 1.200 tỷ đồng tại Công ty Bình Hà thì người nào vay đương nhiên phải trả. Trước khi khởi tố vụ án, BIDV đã thấy được nguy cơ dự án chăn nuôi bò của doanh nghiệp này nên đã có phương án tái cơ cấu và bước đầu có kết quả.
Sau khi vụ án bị khởi tố, Công ty Bình Hà tiếp tục có yêu cầu được tổ chức lại hoạt động và đã có phương án hợp tác kinh doanh để khôi phục lại dự án. Yêu cầu này của doanh nghiệp cũng đã được CQĐT chấp thuận, tạo điều kiện. Hiện tại, Công ty Bình Hà đã nhận được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới.
Về khả năng thu hồi số tiền thất thoát, theo luật sư Thiệp, Công ty Bình Hà cùng nhóm nhà đầu tư mới DoHoldings đã và đang thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh. Theo hợp đồng, nhóm đối tác sẽ trả tiền hàng năm cho Công ty Bình Hà để doanh nghiệp trả nợ ngân hàng.
“Theo tính toán, Công ty Bình Hà sẽ trả hết toàn bộ nợ gốc cho BIDV trong vòng 8 năm” – luật sư Thiệp nhận định. Và việc thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh của Công ty Bình Hà được đặt dưới sự giám sát và BIDV có quyền xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ vay. Ngoài ra, tài khoản của doanh nghiệp tại BIDV hiện vẫn có hơn 15 tỷ đồng.
Đối với số tiền hơn 21 tỷ đồng Trần Anh Quang và Đinh Văn Dũng (đều là cựu Tổng giám đốc Công ty Bình Hà) bị cáo buộc đã chiếm đoạt, luật sư của BIDV khẳng định, các bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường. Sau khi thu được các khoản tiền đó sẽ đối trừ vào dư nợ gốc của Công ty Bình Hà.
Về số tiền thất thoát tại Công ty Trung Dũng, luật sư Nguyễn Huy Thiệp viện dẫn, doanh nghiệp này thiết lập quan hệ tín dụng tại BIDV Hà Thành từ năm 2007. Tính đến cuối năm 2011, Công ty Trung Dũng được đánh giá xếp hạng tín dụng loại AA và A, luôn trả nợ gốc và lãi vay đầy đủ, đúng hạn với doanh số vay, trả lớn và trở thành khách hàng truyền thống, uy tín tại BIDV.
Từ năm 2012 đến 2014 là giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế, lạm phát tăng cao, ngành thép bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế. Công ty Trung Dũng hoạt động kinh doanh thép nên không nằm ngoài sự ảnh hưởng đó.
Khi phát hiện Công ty Trung Dũng có dấu hiệu không trả được nợ, BIDV đã thành lập đoàn công tác, kiểm tra việc cấp tín dụng, đồng thời chỉ đạo, đôn đốc ráo riết chi nhánh Hà Thành thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro. BIDV đã tiến hành xử lý tài sản bảo đảm được hơn 358 tỷ đồng. Đến hết tháng 12-2019, dư nợ của Công ty Trung Dũng tại BIDV là hơn 967 tỷ đồng.
“Bên cạnh sự quyết liệt thu hồi nợ, BIDV đã thực hiện trích đủ 100% dự phòng rủi ro và sử dụng quỹ dự phòng rủi ro xuất toán ngoại bảng khoản nợ nói trên của Công ty Trung Dũng” – vị luật sư cho biết. Tại tòa, luật sư của BIDV cũng đề nghị cơ quan tố tụng buộc Công ty Trung Dũng phải tiếp tục trả gốc và lãi theo các hợp đồng tín dụng đã ký.
Sau cùng là về số tiền hơn 263 tỷ đồng bị Đoàn Hồng Dũng (Giám đốc Công ty Trung Dũng) và Nguyễn Thị Thanh Sơn (Giám đốc Công ty Hà Nam) chiếm đoạt, BIDV đề nghị tòa buộc các bị cáo này phải bồi thường đầy đủ.
Tích cực truy vết dòng tiền thất thoát
Tham gia phiên tòa với tư cách đại diện bị hại, bà Nguyễn Thị Phương (Giám đốc Ban Pháp chế BIDV) cho rằng, hiện tổ chức tín dụng này không xác định được thiệt hại nhưng luôn tôn trọng và chấp hành quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng. Bà Phương cũng đồng tình với quan điểm tranh luận của luật sư Nguyễn Huy Thiệp.
Nhìn nhận về hành vi bị truy tố của 8 cựu lãnh đạo, cán bộ BIDV, đại diện ngân hàng này cho rằng các bị cáo trong vụ án thực chất cũng chỉ là những người làm công ăn lương; làm theo chức trách, nhiệm vụ được phân công theo quy trình, quy định và họ đều cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công, đều mong muốn khoản vay tốt đạt hiệu quả, lợi nhuận cho ngân hàng.
Theo bà Phương, các bị cáo từng là lãnh đạo, cán bộ ngân hàng phải ra hầu tòa ở vụ án này, trong nhiệm vụ luôn nỗ lực, cố gắng cao nhất với phạm vi hiểu biết của mình. Các bị cáo cũng không vì động cơ, mục đích tư lợi và cũng không được hưởng lợi gì nhưng lại luôn phải chịu áp lực rất lớn từ công việc.
Trước ngày bị khởi tố, các bị cáo đều là những nhân tố tích cực, nỗ lực kinh doanh có hiệu quả, tăng doanh lợi cho BIDV để trích và xử lý rủi ro đối với 2 khoản nợ liên đến vụ án. Và đến nay, 2 khoản nợ này không còn ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến tình hình tài chính của BIDV cũng như ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tổ chức tín dụng.
Đối với bị cáo Lê Thị Vân Anh (cựu Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp BIDV, chi nhánh Hà Tĩnh), đại diện BIDV nhìn nhận, đây là nữ bị cáo duy nhất trong số các bị cáo từng là lãnh đạo, cán bộ ngân hàng ở vụ án này và được tại ngoại. Thời gian qua, bị cáo này vừa nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa dành hết tâm sức truy vết dòng tiền của các hành vi phạm tội với số lượng lên đến hàng ngàn bút toán kế toán cả trong và ngoài hệ thống ngân hàng.
“Việc làm của bị cáo là nhân tố tích cực, chủ lực giúp cơ quan chức năng làm rõ bản chất phức tạp của vụ án, thu hồi cho BIDV với số tiền lên đến 207 tỷ đồng. Và hiện nay, bị cáo vẫn đang tiếp tục nỗ lực phối hợp hiệu quả để làm rõ bản chất vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Bình Hà đang điều tra” – đại diện BIDV đánh giá.
Nói thêm về gia cảnh, đại diện bị hại cho biết, bị cáo Vân Anh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình neo đơn với 4 bố mẹ hai bên đều rất già yếu. Chồng bị cáo không có việc làm ổn định, 2 con còn thì nhỏ nên rất cần có sự nuôi dưỡng, chỉ dạy của người mẹ. Bị cáo là lao động chính ổn định duy nhất trong gia đình 9 miệng ăn.
Theo Lâm Vinh (An Ninh Thủ Đô)