Xét xử tiến sĩ 'dạy học làm giàu' - phiên tòa kỳ lạ giữa lòng Hà Nội

20/05/2018 22:08:22

Tại tòa, nhiều người dù ở tư cách bị hại nhưng lại chằm chặp bênh vực bị cáo, liên tục khẳng định họ tin tưởng và tình nguyện góp tiền để bị cáo triển khai các dự án sinh lời.

Nhiều người khẳng định không viết đơn, không làm việc gì với cơ quan điều tra nhưng lại có tên trong danh sách bị hại. Đến lúc bị cáo nói lời sau cùng, nhiều người còn khóc thành tiếng...

Xét xử tiến sĩ 'học làm giàu'
Trong hai ngày 16 và 17/5, TAND Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Phạm Thanh Hải về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tổng số bị hại được Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội xác định là 508 người với số tiền bị chiếm đoạt là 476 tỷ đồng. Tổng số tiền của các bị hại đề nghị được bồi thường theo hợp đồng thỏa thuận là 594 tỷ đồng (cả gốc và lãi).

Xét xử tiến sĩ 'dạy học làm giàu' - phiên tòa kỳ lạ giữa lòng Hà Nội
Bị cáo Phạm Thanh Hải.

Theo cáo trạng, Phạm Thanh Hải giữ chức Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại đầu tư và phát triển công nghệ Quốc tế (IDT).

Do IDT hoạt động không hiệu quả nên để có tiền chi tiêu, ông Hải bắt đầu tổ chức hoạt động huy động vốn cho cá nhân từ năm 2008. Tuy huy động vốn cho cá nhân nhưng tất cả các hoạt động giới thiệu, quảng bá nhằm thu hút đầu tư, ông đều lấy danh nghĩa của Công ty IDT.

Phạm Thanh Hải tự giới thiệu, quảng bá tới nhiều người rằng mình là tiến sĩ, có nhiều kinh nghiệm kinh doanh tại Liên Xô và nói IDT đang triển khai các dự án có lãi suất cao, làm giàu từ “cây tỷ đô”…

Để chứng minh tính khả thi của các dự án, ông Hải đưa ra các hợp đồng với lãi suất từ 40-50%/năm, cắt lãi ngay khi nộp tiền (dù chưa hoạt động kinh doanh).

Các bị hại được ký hợp đồng ủy thác cho Hải đầu tư vào các dự án của Công ty IDT, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Maccadamia Quốc tế (IDMA). Trong hợp đồng, Hải sử dụng con dấu thể hiện mình là Tổng giám đốc Công ty IDT để tạo sự tin tưởng.

Trên thực tế, Công ty IDMA có nhận từ Hải hơn 20 tỷ đồng đầu tư nhưng theo thỏa thuận, từ năm 2013-2018, công ty sẽ không chia lợi nhuận do đây là giai đoạn đầu tư. Tương tự, 11 công ty khác Hải đầu tư vào cũng mới thành lập hoặc chưa thể chia cổ tức.

Xét xử tiến sĩ 'dạy học làm giàu' - phiên tòa kỳ lạ giữa lòng Hà Nội - 1
Các bị hại chạy theo xe thùng vẫy tay chào tạm biệt bị cáo Hải.

Từ tháng 10/2014 đến 10/2015, Phạm Thanh Hải đã huy động được hơn 2.725 tỷ đồng từ hàng nghìn người. Trong đó, đối tượng chi khoảng 137 tỷ đồng để góp vốn, cho vay.

Số còn lại, ông thanh toán gốc, lãi cho các hợp đồng đến hạn (lấy của người sau trả cho người trước), tổ chức hội thảo và chi thưởng kết nối, hoa hồng (gần 41 tỷ đồng). Những người được trả tiền kết nối cho biết đa phần số tiền này được họ tái đầu tư lại cho Hải.

Quá trình điều tra, ông Hải khai đã thông qua quan hệ xã hội, tổ chức hội thảo và lập trang website “hoclamgiau.vn” để các nhà đầu tư biết đến mình.

Nghịch lý tại tòa
Mặc dù cáo trạng thể hiện bị cáo là người thủ đoạn, đã lừa đảo các nạn nhân hàng trăm tỷ đồng nhưng những gì diễn ra trên thực tế lại phác họa một chân dung Phạm Thanh Hải rất khác.

Cụ thể, ngoài cổng tòa, hàng trăm người tự nhận là nhà đầu tư. Do không được vào dự phiên xử, họ đứng thành từng nhóm nhỏ căng băng-rôn, biểu ngữ thể hiện tinh thần ủng hộ bị cáo.

Họ cầm các biểu ngữ "Doanh nhân Phạm Thanh Hải không lừa đảo, chiếm đoạt tiền của chúng tôi", "Không hình sự hóa quan hệ kinh tế - dân sự", "Chúng tôi tin tưởng doanh nhân Phạm Thanh Hải"... Thậm chí, có người còn viết dòng chữ "Trả tự do cho Phạm Thanh Hải".

Bên trong phiên tòa, mặc dù không thái quá, nhưng cũng có thể nhận thấy có khá nhiều người dù là bị hại, nhưng tỏ rõ thái độ thương cảm, ủng hộ Phạm Thanh Hải.

Nhiều lần đại diện VKS trình bày quan điểm, đều bị các bị hại nhất loạt ồ lên phản đối. Có nhiều còn bị mời ra khỏi phòng xét xử.

Khi HĐXX hỏi, bị cáo Hải cho rằng mình bị oan. Đặc biệt, những bị hại trong vụ án này khi trả lời HĐXX cũng cho rằng bản thân không hề khiếu kiện hay tố cáo Phạm Thanh Hải.

Các bị hại còn trình bày, từ trước tới nay, họ đều tin tưởng bị cáo Hải. Trong suốt thời gian góp vốn, chưa bị hại nào thấy Phạm Thanh Hải vi phạm hợp đồng, chậm trả tiền cho nhà đầu tư. Liên quan đến phần dân sự, các bị hại mong muốn được tự thỏa thuận, làm việc với bị cáo Hải.

Theo đa số những bị hại trả lời tại tòa, nhờ có Phạm Thanh Hải mà gia đình họ đỡ khó khăn bởi “chính bị cáo là người làm giàu cho chúng tôi, làm giàu cho đất nước”.

Rất nhiều bị hại cả nam và nữ đã sụt sịt khóc, nhiều người thậm chí khóc nấc thành tiếng ngay trong phòng xét xử.

Nhiều bị hại chia sẻ, sau khi vụ án bị khởi tố, Phạm Thanh Hải bị bắt, nhiều gia đình lục đục, vợ chồng mâu thuẫn, thậm chí ly hôn, gia đình ly tán…

Nguyện vọng chung của những người bị hại là mong tòa xét xử vụ án công tâm, khách quan, đúng pháp luật, cho bị cáo Hải được tại ngoại để khắc phục hậu quả cho nhà đầu tư.

Theo LN (Lao Động)