Xét xử phúc thẩm vụ Trầm Bê, Dương Thanh Cường

11/11/2020 10:14:50

Sáng nay (11/11), TAND cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định về cho vay gây thiệt 505 tỉ đồng tại Ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank).

Theo dự kiến phiên xử sẽ diễn ra trong 03 ngày.

Phiên tòa được mở do có kháng cáo của các bị cáo và Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) cùng kháng nghị của VKSND TP.HCM và VKSND Cấp cao tại TP.HCM đối với bản án sơ thẩm TAND TP.HCM tuyên vào cuối tháng 7.

Theo đó, kháng nghị đề nghị xử phúc thẩm theo hướng tăng hình phạt đối với Trầm Bê, Phan Huy Khang và các đồng phạm trong tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; tăng hình phạt và không cho hưởng án treo đối với bị cáo Trầm Viết Trung.

Xét xử phúc thẩm vụ Trầm Bê, Dương Thanh Cường
Dương Thanh Cường (trái) và Trầm Bê

Về dân sự, VKS đề nghị tòa buộc các bị cáo này phải liên đới cùng với bị cáo Cường bồi thường thiệt hại cho ngân hàng.

TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã tuyên phạt Cường 16 năm tù về tội lừa đảo. Tổng hợp với các bản án khác, bị cáo này phải chấp hành chung là tù chung thân.

Bị cáo Trầm Bê bị phạt 3 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hơp với bản án 4 năm tù về cố ý làm trái quy định gây thiệt hại 1.800 tỉ trong đại án Phạm Công Danh giai đoạn 2, bị cáo Trầm Bê phải chấp hành chung là 7 năm tù.

Các đồng phạm của ông Bê là ông Phan Huy Khang (cựu phó tổng giám đốc kiêm chủ tịch HĐTD) bị phạt 2 năm 6 tháng tù. Tổng hợp với bản án 3 năm tù cố ý làm trái quy định gây thiệt hại 1.800 tỉ trong đại án Phạm Công Danh giai đoạn 2, bị cáo phải chấp hành chung là 5 năm 6 tháng tù. Các bị cáo còn lại mức án từ một năm án treo đến hai năm.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, bị cáo Cường có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại là 505 tỉ đồng cho Sacombank. Việc lừa đảo của Cường là nguyên nhân chính dẫn đến toàn bộ thiệt hại.

Các cán bộ ngân hàng không có trách nhiệm bồi thường do không có căn cứ xác định họ có câu kết với Cường để hưởng lợi. Bị hại Sacombank cũng không có yêu cầu những người này phải có trách nhiệm với thiệt hại.

Dương Thanh Cường lập và điều hành 2 công ty Bình Phát và Thanh Phát. Tháng 10/2007, ông Cường đứng danh nghĩa Công ty Thanh Phát mua 10,5ha đất nông nghiệp (thuộc 23 sổ đỏ) tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Sau đó ông thế chấp 23 sổ đỏ này cho Agribank chi nhánh 6 để vay 628 tỉ đồng mua một phần đất thuộc 23 sổ đỏ này (171 tỉ đồng) và để đầu tư vào những dự án khác.

Ông Cường biết khu đất nằm trong quy hoạch nên không thể sang tên cho Công ty Thanh Phát, nhưng vẫn nại ra lý do trình UBND TP.HCM phê duyệt dự án để mượn Agribank (chi nhánh 6) 23 sổ đỏ.

Từ tháng 4/2008 đến tháng 6/2009, ông đã dùng 23 sổ đỏ thế chấp cho Ngân hàng Phương Nam vay 185 tỉ đồng và sử dụng hết vào mục đích cá nhân.

Tuy nhiên 23 sổ đỏ nêu trên không đủ điều kiện thế chấp nên Ngân hàng Phương Nam không thể xử lý tài sản đảm bảo. Sau khi quy đổi khoản vay vàng ra tiền đồng, tổng nợ gốc và lãi từ khoản vay của Cường là 505 tỉ.

Ông Trầm Bê và 8 bị cáo là cán bộ, nhân viên ngân hàng này biết rõ Công ty Bình Phát không đủ điều kiện được cấp tín dụng nhưng vẫn cho vay dẫn đến việc Ngân hàng Phương Nam thiệt hại 505 tỉ đồng.

Theo Ngọc An (Công Lý)