Chiều nay 26-12, phiên tòa xét xử Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (Công ty AIC), và 35 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty AIC tiếp tục với phần luật sư nêu quan điểm tranh luận với bản luận tội của đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa.
Tại phiên toà, luật sư bào chữa cho bị cáo Đỗ Mỹ Hạnh, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cát Vân Sa, cho biết thân chủ sẽ có "tâm thư gửi hội đồng xét xử". Trong những ngày xét xử trước, có hai người đang bỏ trốn cũng có thư gửi tòa xin "hợp tác xét xử". "Nguyện vọng của bà Hạnh gửi gắm là sẽ quay về chấp hành bản án và mong được hưởng sự khoan hồng của pháp luật" - luật sư nói.
Về quan điểm bào chữa, luật sư cho rằng vụ án này, việc gian lận thầu được lập trình sẵn theo "quy trình 70 bước" mà Nguyễn Thị Thanh Nhàn thiết lập để Công ty AIC trúng thầu. Quy trình này được vận hành theo sự chỉ đạo cao nhất là Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Trong quy trình 70 bước đó, hành vi của bà Hạnh chỉ là tiểu tiết khi chỉ ký báo giá giúp Công ty AIC. Tại thời điểm ký các báo giá, bị cáo Hạnh không biết báo giá được sử dụng vào mục đích gì.
"Bị cáo Hạnh chỉ có vai trò giúp sức song cần đánh giá đó chỉ là vai trò thứ yếu. Có Công ty Cát Vân Sa hay không, có bị cáo Hạnh hay không thì việc gian lận thầu vẫn diễn ra, vì mọi thứ đã được lập trình sẵn trong quy trình 70 bước rồi" - luật sư nêu quan điểm và đề nghị viện kiểm sát xem xét lại phần đề xuất mức án để thể hiện sự khoan hồng của pháp luật
Bào chữa cho bị cáo Ngô Thế Vinh (giám đốc Công ty Việt Tiên), luật sư cho hay thân chủ của mình có quốc tịch Mỹ và Việt Nam. Dù bị cáo Vinh đang có bệnh nhưng có thời gian đã quay về Việt Nam hợp tác với cơ quan điều tra để cung cấp tài liệu liên quan vụ án.
Theo lời luật sư, bị cáo Vinh phải quay lại Mỹ vào tháng 8-2022 trong hoàn cảnh bất khả kháng vì vấn đề sức khỏe phải điều trị. Trước khi quay lại Mỹ, bị cáo Vinh đã ủy quyền hợp lệ cho phó giám đốc công ty làm việc với cơ quan chức năng.
"Có căn cứ xác định bị cáo không bỏ trốn, thậm chí còn sẵn sàng hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền. Bị cáo Vinh mong muốn được gỡ bỏ lệnh truy nã, được hưởng khoan hồng đặc biệt, được miễn hình phạt. Ông Vinh hứa sẽ khắc phục toàn bộ hậu quả dù đại diện Công ty AIC cho biết sẽ đền bù toàn bộ thiệt hại"- luật sư bị cáo Vinh nói và cho biết gia đình bị cáo này đã chủ động nộp 500 triệu đồng tiền khắc phục hậu quả.
Cũng bào chữa cho bị cáo đang bỏ trốn là Nguyễn Văn Thuyết (cựu tổng giám đốc Công ty Thành An Hà Nội), luật sư Nguyễn Thị Thanh Hải cho rằng đơn xin xét xử được thân chủ mình gửi về từ Mỹ đã được tòa chấp thuận. "Bị cáo cư trú tại Mỹ vì mình là người giám hộ duy nhất cho hai con theo học tại đây. Khi biết tin bị truy tố, đưa ra xét xử thì thời gian là quá ngắn để có thể sắp xếp trở về tham dự phiên tòa mặc dù rất mong muốn"- luật sư nêu và đề nghị "tòa và và viện kiểm sát kiến nghị cơ quan phát lệnh truy nã gỡ bỏ lệnh truy nã để thân chủ của mình nhận được chính sách khoan hồng tối đa của pháp luật.
Trong số 36 bị cáo bị truy tố trong vụ án này, có tới 8 bị cáo bỏ trốn và đang bị phát lệnh truy nã. Tại phiên toà, VKSND đã đề nghị tuyên phạt các bị cáo đang bỏ trốn nhw: Nguyễn Thị Thanh Nhàn tổng hình phạt 30 năm tù; Ngô Thế Vinh 4-5 năm tù; Nguyễn Đăng Thuyết bị đề nghị từ 3-4 năm tù; Đỗ Mỹ Hạnh 6-7 năm tù; Lê Chí Tuân án từ 4-5 năm tù... cùng về tội vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Do đó, cơ quan tố tụng đã đề nghị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 7 bị cáo đến cơ quan công an hoặc VKSND nơi gần nhất đầu thú, hưởng chính sách khoan hồng của nhà nước và thực hiện quyền tự bào chữa. Trường hợp tiếp tục bỏ trốn, VKSND Tối cao coi đó là từ bỏ quyền tự bào chữa và truy tố theo quy định của pháp luật.
Cũng tại tòa, luật sư Trịnh Văn Tuyến, người bào chữa cho bị cáo Lê Chí Tuyên - Trưởng nhóm Hồ sơ dự thầu của Công ty AIC, cho rằng hành vi phạm tội của thân chủ chỉ mang tính giản đơn và có vai trò giúp sức không đáng kể. Cụ thể, sau khi nhận được thông báo từ bị cáo Nga về việc các doanh nghiệp dự thầu và doanh nghiệp nào là "quân xanh, quân đỏ" trong mỗi gói thầu thì bị cáo Tuân có nhiệm vụ truyền đạt, phân công các thành viên trong nhóm hồ sơ dự thầu liên hệ với các công ty được sắp xếp để lấy giấy giới thiệu, gửi vào văn phòng miền Nam đi mua hồ sơ dự thầu.
Đồng thời, bị cáo Tuân cùng thành viên trong nhóm tiếp tục liên hệ với các bộ phận chuyên môn của AIC và các công ty "quân xanh, quân đỏ" để tập hợp tài liệu, giấy tờ cần thiết, theo yêu cầu của hồ sơ dự thầu. Hành vi cuối cùng của bị cáo Tuân là photocopy hồ sơ dự thầu hoàn chỉnh thành nhiều bản rồi đóng gói, niêm phong tạm thời và gửi vào Văn phòng AIC miền Nam.
Với những hành vi trên của bị cáo Tuân, luật sư Trịnh Văn Tuyến cho rằng có đủ cơ sở để khẳng định bị cáo Tuân chỉ giúp sức cho nhóm bị cáo Nhàn thông thầu ở mặt đơn giản về thủ tục, giấy tờ. Cùng với đó, quá trình làm việc, bị cáo Tuân cùng các thành viên nhóm hồ sơ phải chịu rất nhiều áp lực, sức ép.
Luật sư trích lại lời khai của bị cáo Tuân thể hiện cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn rất quan tâm và bỏ ra nhiều công sức để xin được vốn từ Trung ương và địa phương nên yêu cầu các bộ phận, trong đó có bộ phận hồ sơ của Tuân phải lập hồ sơ thật cẩn thận, có trách nhiệm. Nếu để Công ty AIC bị trượt thầu thì bị cáo Tuân hoặc những người trong nhóm hồ sơ dự thầu sẽ bị đuổi việc.
Kết thúc phần bào chữa, luật sư Trịnh Văn Tuyến cho biết thân chủ của mình dù hoàn cảnh rất khó khăn nhưng vẫn cố gắng nhờ bạn bè nộp 100 triệu đồng để khắc phục một phần hậu quả của vụ án. Qua đó, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo Tuân được hưởng thêm các tình tiết giảm nhẹ.
Theo Nguyễn Hưởng (Nld.com.vn)