VKS lập luận ra sao về cáo buộc Trịnh Xuân Thanh tham ô tài sản?
“Hội nghị TW 6 mới đây đã bàn nhiều chuyện, trong đó có chuyện về “Biên chế tổ chức và về bộ máy” - Hệ thống chính trị của Đảng. Cụ thể là thu thuế không đủ trả lương, phải bán tài nguyên thiên nhiên, nhà đất, Doanh nghiệp nhà nước v.v... để ăn và trả nợ vay. Trên diễn đàn Quốc hội, chúng ta không ngớt lo lắng, sau này bán hết vốn nhà nước thì nhiệm kỳ sau lấy gì mà chi tiêu, kể cả chi thường xuyên…
Cùng với những bê bối tham nhũng thành “đại án” có tên “Ngân hàng” và “Doanh nghiệp Nhà nước”, từng được kỳ vọng là “quả đấm thép” của nền kinh tế, kéo theo một số cán bộ cấp cao bị truy tố... thì những mối băn khoăn trên đã bao quát khá trung thực tình hình kinh tế và năng lực quản lý Nhà nước tích tụ hơn chục năm qua.
Khi người ta ăn hết của “trời cho”, “ăn không từ một thứ gì”, kể cả ăn cắp, thì nền kinh tế còn gì? Nếu chỉ tiếp tục ăn mà không làm thì chỉ có thể ăn cơm tù! Từng người dân thì yếu nếu so với từng vị quan quyền tham nhũng, nhưng toàn dân ắt mạnh hơn họ là lẽ đương nhiên. Đó là “cùng tắc biến”...
Chỉ cần nhìn thực tế là thấy ngay, một xe, một tài xế thì làm sao so được với cái trạm “mãi lộ” - BOT, nhưng một đoàn xe thì khác. Hàng mấy cây số máy cày nối đuôi kéo vào thành Paris đã buộc Tổng thống Pháp phải điều chỉnh chính sách với người nông dân. Hôm nghe tin bán cơ sở Hãng phim truyện Việt Nam tôi rất buồn. Nhìn chị Trà Giang, anh Thế Anh... phát biểu trên VTV1 tôi xúc động và thầm trách cơ quan chủ quản. Nhưng gần đây, xem phim tư nhân làm, chiếu trên VTV tôi cảm thấy được an ủi, vì hình như “Người chết đã được đầu thai”. Mọi cái đều phải trở về thực tại.
Một sự thật khác nói lên qui luật “Biến tắc thông”. Cái này rất quan trọng vì nó định hướng cho mọi sự chỉnh đốn.
Có lẽ qui luật nầy ai cũng biết, nhưng nhận diện sớm để nắm bắt, vận dụng lại là bản lĩnh và nghệ thuật cầm lái. Người viết ghi nhận, thử nêu ra: Đó là mấy vụ tranh chấp đất đai có nguy cơ “bùng nổ” lịch sử; hàng loạt các trạm BOT giao thông từ Bắc chí Nam ùn tắc do hiện tượng nhà đầu tư câu kết ăn gian bị phát hiện; hiện tượng chống tham nhũng, bè phái, cha truyền con nối... không còn là những việc để “cằn nhằn”, “gãi ngứa”... mà đã đến hồi... tuần tự... cáo chung!
Đảng và Chính phủ xử lý “tình huống” mấy vụ đại án hóc búa vừa qua cho thấy bản lĩnh, đi đến cùng, không nửa vời, như ai đó suy đoán, và bước đầu khôi phục lòng tin. Một khi lòng tin đã trở lại với con người, vốn xã hội được phục hồi thì không có nguồn vốn ngoại nhập nào, cho dù lớn đến đâu cũng không bì được.
Thực tế đã chứng minh rằng, chống giặc nội xâm chỉ có sức mạnh toàn dân như chống ngoại xâm thuở trước. Đảng làm hạt nhân lãnh đạo chứ không làm thay. Sức mạnh nhân dân và thể chế dân chủ thực chất là điểm tựa chống giặc nội xâm. Bên cạnh đó, báo chí, dư luận xã hội ngày càng có sức mạnh góp phần rất to lớn phanh phui tiêu cực, khi mà “nội bộ đóng cửa dạy nhau” xưa nay không mấy hiệu quả. Không ai cấm cản được dư luận xã hội và sức mạnh truyền thông.
Người viết từng ngộ nhận nhiều con đom đóm sẽ hợp thành ánh sáng. Các chỉ thị chống tiêu cực trước đây khi có nhân dân song hành sẽ tạo ra lửa. Trong cuộc đấu tranh với tham nhũng, lợi ích nhóm, phải làm cho dân tin điều này và tham gia thì mới thành công.
Dân đang nhìn vào các vụ đại án đang được xét xử và các vụ đại án sẽ được xét xử, và mong mỏi qua bài học rút ra từ những vụ đại án này, những khuyết tật của cơ chế sẽ sớm được sửa chữa.
Theo Nguyễn Minh Nhị (VietNamNet)