Hôm qua, 25-9, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xử vụ buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại VN Pharma.
Cùng bị truy tố với vai trò chủ mưu như Nguyễn Minh Hùng (cựu chủ tịch, tổng giám đốc VN Pharma), bị cáo Võ Mạnh Cường (cựu giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hàng hải quốc tế H&C) kêu oan. Tại tòa, bị cáo Cường nói cáo trạng nêu hành vi của bị cáo không đúng vì phản ánh không đúng bản chất vụ việc liên quan bị cáo, còn nhiều bất cập.
“Bóng đổ thầy, thầy đổ bóng”
Bị cáo Cường xác nhận mình làm đại diện tại Việt Nam cho hai công ty nước ngoài là Công ty Health và Công ty Health 2000. Bị cáo có được giấy phép làm đại diện tại Việt Nam, có giấy hợp đồng của hai công ty, được họ ủy quyền xúc tiến thương mại, hỗ trợ để phát triền thị trường tại Việt Nam.
Tuy nhiên, chủ tọa nói với bị cáo rằng hai công ty đó qua xác minh là không có thật.
Bị cáo Cường còn nói to trước bục khai báo: “Bị cáo bị oan, bị ép cung, dụ dỗ bưng bít thông tin của vụ án, bỏ qua nhiều thông tin quan trọng. Đã hơn năm năm bị cáo chịu oan ức từ sai phạm của các cơ quan tố tụng. Bản thân bị cáo là người kinh doanh nên ít hiểu biết về dược, các thông tin chi tiết thì thông qua ông Raymundo nên bị cáo không biết là thuốc giả. Bị cáo đã cung cấp hình ảnh, số điện thoại, địa chỉ, thông tin liên lạc với ông Raymundo, vì vậy việc truy tìm ông Raymundo không quá khó…”.
Chủ tọa ngắt lời bị cáo Cường và lưu ý việc ông Raymundo đã được CQĐT tách ra, tiếp tục điều tra làm rõ trong giai đoạn sau của vụ án.
Về nội dung thu lợi, bị cáo Cường cũng cho là các cơ quan tố tụng đã tính sai, oan cho mình. Liên quan tới lô thuốc H-Capita, bị cáo Cường khai khi Hùng có nhu cầu mua H-Capita đã đến yêu cầu hỏi giá bên nước ngoài như thế nào và đặt hàng. Bị cáo Cường khẳng định mình không chào hàng.
Nghe vậy, chủ tọa gọi bị cáo Nguyễn Minh Hùng lên đối chất vì trước đó Hùng khai Cường là người chào hàng.
Khi cả hai cùng đứng tại bục khai báo, chủ tọa hỏi Hùng ai là người đặt vấn đề trước trong việc mua thuố. Hùng trả lời Cường là người chào hàng. Thẩm phán quay sang hỏi Cường suy nghĩ gì về câu trả lời của Hùng. Bị cáo Cường không trả lời câu hỏi này. Còn bị cáo Hùng được tòa cho về chỗ ngồi.
“Đó là rủi ro trong kinh doanh”
Trả lời VKS về thuốc chữa ung thư bị làm giả ảnh hưởng như thế nào đến bệnh nhân sử dụng, bị cáo Hùng đáp: “Nếu giả về chất lượng thì ảnh hưởng nhiều hơn việc giả về xuất xứ”. VKS nhấn mạnh: “Tôi muốn hỏi việc bệnh nhân sử dụng phải thuốc giả sẽ bị ảnh hưởng thế nào?”. Bị cáo Hùng mới thừa nhận: “Việc điều trị không được đáp ứng tốt”. VKS nói: “Chắc chắn bệnh nhân không bao giờ khỏi và nguy cơ dẫn đến tử vong. Bị cáo đừng biện minh cho hành vi sai trái của mình”.
Đại diện VKS tiếp tục truy vấn bị cáo Hùng về việc suy nghĩ thế nào về nâng khống giá thuốc và khiến bệnh nhân ung thư vừa mua phải thuốc giả, giá cao. Bị cáo Hùng cho rằng: “Bị cáo hiểu và nhận thức được việc này. Tuy nhiên, giá mua 0,9 USD một viên là giá mua thuốc thật từ Canada chứ không phải là thuốc mua từ Ấn độ. Việc bị cáo mua phải thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng là rủi ro trong kinh doanh”.
Đồng thời bị cáo Hùng cũng cho rằng không cố ý mua thuốc chữa ung thư giả mà tin tưởng vào sản phẩm bị cáo Cường chào bán.
Tổ thẩm định, giám định nói gì?
Trả lời câu hỏi của HĐXX, đại diện Hội đồng thẩm định Cục Quản lý dược (QLD) cho biết ngày 9-1-2013, Cục QLD lập tổ thẩm định do ông Nguyễn Tất Đạt (lúc này là trưởng Phòng quản lý kinh doanh dược thuộc Cục) làm tổ trưởng. Đến ngày 30-10-2013, VN Pharma có đơn nộp Cục QLD xin giấy phép nhập khẩu thuốc. Sau khi xem xét hồ sơ, tổ thẩm định đã đánh giá hồ sơ đạt yêu cầu và đề nghị Cục QLD cấp phép nhập khẩu đơn hàng trên.
Vị đại diện này cho rằng mình là thành viên thẩm định pháp chế nên chỉ làm trong vai trò, nhiệm vụ của mình. Đối chiếu các quy định của pháp luật thì ông làm đúng.
Còn ông Lê Xuân Hoành (thành viên tổ giám định) trả lời tòa là tổ giám định theo quyết định trưng cầu giám định của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an. Sau đó Bộ trưởng Bộ Y tế đã thành lập tổ giám định lô thuốc H-Capita. Khi có quyết định của bộ trưởng Bộ Y tế thì tổ giám định lấy mẫu và phương pháp giám định, bốn tháng từ lúc thành lập thì ra kết luận giám định.
Ông Hoành công bố kết luận giám định lô thuốc H-Capita có chứa 97,5% hoạt chất capecitabine là thuốc kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người. Thời hạn sử dụng trên lô thuốc phù hợp với tờ hướng dẫn sử dụng nhưng đây là thuốc kém chất lượng nên thời hạn sử dụng không có ý nghĩa. Về mẫu mã lô thuốc có một số chi tiết không đúng với tờ khai hướng dẫn sử dụng.
Về điều kiện bảo quản lô thuốc H-Capita đảm bảo tiêu chuẩn về bảo quản thuốc. Ông Hoành cũng nói hội đồng giám định đã căn cứ theo Luật Dược để ra kết luận.
Ông cũng khẳng định khái niệm thuốc kém chất lượng và thuốc giả hoàn toàn khác nhau. Theo đó, ông giải thích thuốc kém chất lượng là thuốc có chứa hoạt chất nhưng không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Thuốc kém chất lượng có thể là thuốc có chứa hoạt chất nhưng thấp, không đúng với hàm lượng thuốc đã đăng ký. Còn thuốc giả là sản phẩm được gắn nhãn hiệu sai một cách gian dối và có chủ đích về đặc tính hoặc nguồn gốc. Thuốc giả có thể bao gồm sản phẩm đúng hoặc sai hoạt chất, không có hoạt chất hoặc không đủ hàm lượng hoạt chất hoặc với bao bì giả…
Gục ngã trước tiền và ngất xỉu trước tòa
Trong vụ án này, bị cáo Phạm Văn Thông là dược sĩ được VN Pharma thuê viết hồ sơ thuốc để làm thủ tục nhập khẩu. Tại tòa, bị cáo Thông khai khoảng tháng 5-2013, Nguyễn Minh Hùng có gọi điện thoại nhờ viết tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm thuốc H-Capita mang tên Công ty Helix Canada để đưa vào hồ sơ xin cấp phép nhập khẩu.
Bị cáo Thông đồng ý với giá thỏa thuận tiền công là 2.000 USD. Khi tiến hành làm, Thông yêu cầu Hùng cung cấp các tài liệu gồm FSC, GMP, hộp thuốc mẫu và toa thuốc gốc (hướng dẫn sử dụng thuốc) nhưng Hùng chỉ cung cấp được FSC, GMP và một vỉ thuốc mẫu…
Tuy nhiên, khi chưa trả lời hết các câu hỏi của HĐXX thì sức khỏe bị cáo Thông không đảm bảo nên HĐXX phải cho lực lượng y tế vào chăm sóc. Sau khi chuyển bị cáo Thông ra ngoài phòng xử án để chăm sóc, lực lượng y tế và công an đã đưa băng ca để đưa bị cáo này vào bệnh viện.
HĐXX thông báo bị cáo Thông được đưa đi cấp cứu tại BV 115. Và tại phiên tòa này ông Thông có luật sư bào chữa nên quyền lợi của bị cáo vẫn được đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Được biết bị cáo này mắc rất nhiều bệnh gồm cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, gan nhiễm mỡ, tiểu đường, loạn nhịp tim, thoái hóa cột sống, bệnh gút. Khi còn được tại ngoại, ông đã phải đặt ống thông tĩnh mạch tim và một lần bị xuất huyết não.
Trong phiên tòa sơ thẩm lần một năm 2017, ông Thông bị tuyên phạt hai năm án treo về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Khi bản án này bị hủy, ông Thông và các bị cáo trong vụ án bị thay đổi quyết định khởi tố bị can sang tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh. Tháng 6-2018, bị cáo Thông bị bắt tạm giam.
Theo Hoàng Yến (Pháp Luật TP.HCM)