Vụ Việt Á: Những CDC và cơ sở y tế nào 'dính líu' đến Phan Quốc Việt?

11/01/2024 09:50:08

Ngoài số bị cáo tại CDC các tỉnh là Hải Dương, Bắc Giang, Bình Dương và Nghệ An đang bị đưa ra xét xử ở vụ án này thì Việt Á còn “vươn vòi” tới hàng loạt tỉnh, thành khác trên cả nước. Luận tội tại phiên tòa, Viện kiểm sát cho biết, tổng cộng CDC và cơ sở y tế của 19 tỉnh, thành “dính líu” đến Việt Á, gồm cả CDC của 4 địa phương trên.

“Cơn bão” Việt Á càn quét CDC

Chiều mai (12-1), phiên tòa sơ thẩm xét xử Phan Quốc Việt (Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á) cùng 37 bị cáo liên quan, trong đó có 2 cựu Bộ trưởng sẽ đi vào hồi kết. Trong đó, hành vi phạm tội của “ông chủ” Việt Á Phan Quốc Việt bị xác định là xảy ra ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) và cơ sở y tế của 19 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Tuy nhiên, theo các cơ quan tố tụng ở vụ án Việt Á này, để bảo đảm quy định về tố tụng nên cơ quan tố tụng ở 15 tỉnh, thành phố đã được “ủy thác” điều tra, truy tố, xét xử đối với những người phạm tội liên quan đến Phan Quốc Việt và Công ty Việt Á.

Vụ Việt Á: Những CDC và cơ sở y tế nào 'dính líu' đến Phan Quốc Việt?
Bị cáo Lâm Văn Tuấn - cựu Giám đốc CDC Bắc Giang.

Cụ thể, tại tỉnh Đồng Tháp, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Tháp đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Lệ Ngọc – cựu Phó trưởng Khoa Xét nghiệm Chẩn đoán hình ảnh Thăm dò chức năng, CDC Đồng Tháp; Trần Văn Hai – cựu Giám đốc CDC Đồng Tháp; Huỳnh Văn Thêm – cựu Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp.

Các bị can nêu trên cùng bị khởi tố, điều tra về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” ở 5 hợp đồng mua bán kit test với Công ty Việt Á, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 79 tỉ đồng.

Tại tỉnh Trà Vinh, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh này đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Đắc Thanh – cựu Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Trà Vinh; Lê Văn Thanh – cựu Phó Khoa xét nghiệm, CDC Trà Vinh; Nguyễn Văn Lơ - Giám đốc CDC Trà Vinh và Nguyễn Văn Truyền – cựu chuyên viên Phòng nghiệp vụ dược, Sở Y tế tỉnh Trà Vinh, cùng về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Các bị can đã vi phạm tại 5 hợp đồng giao dịch với Việt Á, gây thiệt hại hơn 7,6 tỉ đồng.

Với tỉnh Vĩnh Long, Công an địa phương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đoàn Văn Hùng – cựu Giám đốc; Phan Thị Ngọc Thấm - kỹ thuật viên trưởng phụ trách Khoa Sinh hóa - Vi sinh - Miễn dịch - Sinh học phân tử; Đinh Thị Thanh Chi – cựu Phó trưởng khoa Dược, đều thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” tại 4 hợp đồng, gây thiệt hại hơn 12 tỉ đồng.

Vụ Việt Á: Những CDC và cơ sở y tế nào 'dính líu' đến Phan Quốc Việt? - 1
Cựu Giám đốc CDC Hải Dương - Phạm Duy Tuyến.

Ngoài các tỉnh, thành nêu trên, liên quan đến Việt Á và Phan Quốc Việt, Cơ quan CSĐT Công an các tỉnh, thành là Hậu Giang, Cà Mau, Bình Phước, Ninh Thuận, Yên Bái, Nam Định, TP.HCM… cũng đã khởi tố các vụ án với hàng chục bị can.

Tại Hà Nội,Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã khởi tố 3 vụ án liên quan đến Việt Á. Đó là bị can Trần Lệ Tiến - cựu Trưởng Khoa vi sinh; Quách Thị Thu Hà - cựu Phó trưởng Khoa dược (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) bị khởi tố, điều tra về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” đối với 2 hợp đồng mua bán kit test, gây thiệt hại hơn 3,3 tỉ đồng.

Ở vụ án thứ hai, Công an TP Hà Nội khởi tố Chu Vũ Nam - cựu Phó trưởng phòng Vật tư, Bệnh viện đa khoa Ba Vì về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” đối với 2 hợp đồng, thiệt hại hơn 1,7 tỉ đồng.

Bên cạnh 2 vụ án trên, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cũng đã khởi tố, điều tra đối với bị can Trương Quang Việt – cựu Giám đốc; Lê Minh Tuyến – cựu Trưởng phòng Tài chính Kế toán, (CDC TP Hà Nội) cùng về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, do gây thiệt hại hơn 9 tỉ đồng.

Nhiều vụ án đã được đưa ra xét xử

Mở rộng điều tra vụ ấn Việt Á và Phan Quốc Việt, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Trần Tuấn – cựu Giám đốc; Tô Minh Huệ - cựu Trưởng phòng Tài chính kế toán; Phan Thị Nga - cựu Trưởng Khoa xét nghiệm (CDC Hà Giang) về các tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ”.

Vụ Việt Á: Những CDC và cơ sở y tế nào 'dính líu' đến Phan Quốc Việt? - 2
Cựu Giám đốc CDC Nghệ An - Nguyễn Văn Định.

Khởi tố Phạm Thị Kim Dung - cựu Phó giám đốc; Hoàng Thị Phượng – cựu cán bộ Phòng tài chính kế toán (CDC Hà Giang; Bùi Văn Tuyển - Phó giám đốc Công ty TNHH Liên Hợp Dược tỉnh Hà Giang về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” đối với 5 hợp đồng, thiệt hại gần 5 tỉ đồng.

Tháng 8-2023, TAND tỉnh Hà Giang đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Nhận định tại tòa, Hội đồng xét xử khẳng định, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên địa bàn, Sở Y tế giao CDC tỉnh triển khai xét nghiệm, sàng lọc vi rút Sars–Cov-2.

Để phục vụ công tác xét nghiệm, CDC Hà Giang đã thỏa thuận, thống nhất với Công ty Việt Á về việc ứng trước sinh phẩm xét nghiệm thực hiện nhiệm vụ, ký các hợp đồng thanh toán cho Công ty Việt Á và Công ty TNHH Liên hợp Dược Hà Giang, tổng số tiền trên 7,8 tỉ đồng.

Qua điều tra, các bị cáo đã trực tiếp và đồng phạm gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước trên 5 tỉ đồng. Riêng bị cáo Bùi Văn Tuyển gây thiệt hại cho Nhà nước trên 900 triệu đồng. Ngoài ra, các bị cáo nhận tổng số tiền trích phần trăm trong và ngoài hợp đồng của Việt Á là hơn 1,4 tỉ đồng.

Tòa án Hà Giang đã tuyên phạt Phan Thị Nga 16 năm 6 tháng tù (2 tội danh); Nguyễn Trần Tuấn 11 năm tù (2 tội danh); Tô Minh Huệ 9 năm tù (2 tội danh). Các bị cáo Phạm Thị Kim Dung, Hoàng Thị Phượng, Bùi Văn Tuyển lần lượt bị tuyên mức án 3 năm tù, 24 tháng tù và 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Vụ Việt Á: Những CDC và cơ sở y tế nào 'dính líu' đến Phan Quốc Việt? - 3
Cựu Giám đốc CDC Nam Định - Đỗ Đức Lưu.

Cũng trong năm 2023, TAND tỉnh Phú Thọ đã tuyên phạt bị cáo Trần Gia Phú - cựu Trưởng đơn vị vi sinh, Phó giám đốc Trung tâm xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ 8 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.

Theo nội dung vụ án, do có quen biết từ trước với nhân viên Công ty Việt Á, sau khi trao đổi, thỏa thuận về việc Việt Á trả cho Phú phần tiền trăm “ngoài hợp đồng” nếu doanh nghiệp này được Sở Y tế tỉnh Phú Thọ lựa chọn là nhà cung cấp kit xét nghiệm Covid-19, Phú đã cung cấp thông tin của Việt Á cho Sở Y tế tỉnh để đơn vị lựa chọn doanh nghiệp này là nhà thầu.

Sở Y tế Phú Thọ sau đó đã ký 8 hợp đồng kinh tế mua kit xét nghiệm Covid-19 và vật tư tiêu hao của Công ty Việt Á theo hình thức chỉ định thầu rút gọn trong trường hợp cấp bách. Thực thỏa thuận, Việt Á đã chuyển tiền và bị cáo Phú bị xác định là hưởng lợi bất chính hơn 2,1 tỉ đồng.

Cuối tháng 11-2023, cựu Giám đốc CDC tỉnh Nam Định Đỗ Đức Lưu cũng đã bị Tòa án địa phương này tuyên phạt tổng cộng 16 năm 6 tháng tù về tội “Nhận hối lộ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, do có những sai phạm liên quan đến Việt Á.

Cùng với đó, 7 bị cáo liên quan cũng lần lượt bị tuyên phạt những mức án nghiêm minh. Cơ quan tố tụng tỉnh Nam Định xác định, Đỗ Đức Lưu và các bị cáo liên quan đã gây thiệt hại cho ngân sách gần 15 tỉ đồng trong việc mua ki test của Việt Á trái pháp luật.

Theo Lâm Vinh (An Ninh Thủ Đô)