Theo đó, bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước) bị HĐXX tuyên phạt mức án chung thân về tội “Tham ô tài sản”.
Trong phần nhận định, HĐXX cho rằng, bị cáo Nhàn biết rõ bị cáo Trương Mỹ Lan nắm chi phối gần tuyệt đối tại SCB, toàn quyền chỉ đạo hoạt động ngân hàng này. Tuy nhiên, bị cáo Nhàn đã thông qua Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) để 2 lần gặp gỡ bà Lan, trao đổi về kết luận thanh tra.
Thông qua bị cáo Văn và Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT của SCB), bị cáo Nhàn đã nhận 4 lần nhận tổng số tiền 5,2 triệu USD của bị cáo Lan để chủ trì xây dựng kết quả thanh tra theo hướng không đề nghị đưa ngân hàng này vào dạng kiểm soát đặc biệt, không kiến nghị chuyển cơ quan điều tra các sai phạm.
Theo HĐXX, việc ban hành kết luận thanh tra là phương thức để bị cáo Nhàn thỏa thuận với bà Lan, nhằm nhận hối lộ 5,2 triệu USD. Về các lần nhận tiền của bà Nhàn, lần đầu tiên là sau khi thanh tra đợt 1, hai lần nhận tiếp theo là ở thời điểm lấy ý kiến xây dựng dự thảo kết luận thanh tra, và lần cuối vào lúc ban hành kết luận.
Xâu chuỗi toàn bộ hành vi, tòa nhận thấy việc bị cáo Nhàn gặp bị cáo Lan, chỉ đạo đoàn thanh tra bỏ qua sai phạm của SCB, là thực hiện không đúng chức năng nhiệm vụ quy định. Bởi với cương vị là trưởng đoàn thanh tra, đáng lẽ bị cáo Nhàn phải báo cáo người ra quyết định chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, nhưng lại đề xuất bưng bít sai phạm để nhận tiền từ SCB.
Hành vi của bị cáo Nhàn có mối quan hệ nhân quả giữa nhận tiền và ra kết quả thanh tra. Tại phiên tòa, bị cáo trình bày việc nhận tiền nhằm bảo vệ gia đình do thấy nhiều người liên quan trong vụ án thiệt mạng. Tuy nhiên, tòa cho rằng lời trình bày này không có căn cứ.
HĐXX cho rằng, việc bị cáo Nhàn nhận tiền diễn ra trong thời gian dài, nếu không muốn thì không thể 4 lần gặp bị cáo Văn để nhận, thậm chí cho mật khẩu nhà riêng. Một số đối tượng đã chết khi vụ án bị khởi tố, sau thời điểm bị cáo nhận tiền. Lời biện hộ của bị cáo không có căn cứ, không phù hợp tình tiết khách quan của vụ án.
Bị cáo Nhàn nhận số tiền đặc biệt lớn, đây là tội phạm tham nhũng nguy hiểm nhất, ảnh hưởng đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Sau khi nhận tiền, bị cáo Nhàn trực tiếp chỉ đạo cấp dưới bỏ ngoài số liệu phân loại nợ xấu gần 38.000 tỷ đồng; làm thay đổi toàn bộ các chỉ tiêu tài chính của SCB theo hướng có lợi cho ngân hàng này.
Trong đợt thanh tra lần 2, bị cáo Nhàn chủ động đề xuất bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh thanh tra NHNN) thay đổi kế hoạch thanh tra nhằm thu hẹp phạm vi, thời kỳ thanh tra đối với 71 khách hàng có địa chỉ tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TP. HCM)
"Tại phiên tòa, bị cáo Nhàn chưa thành thật, thừa nhận nhận vi phạm tội, nên cần phải có mức án nghiêm khắc nhất. Nhưng xét bị cáo đã nộp lại toàn bộ tiền nhận hối lộ nên cần giảm nhẹ một phần hình phạt", HĐXX nhận định.
Đối với bị cáo Nguyễn Văn Hưng, theo HĐXX, bị cáo là người ra quyết định thanh tra Ngân hàng SCB, là người chỉ đạo, giám sát nội dung hoạt động thanh tra của đoàn thanh tra tại SCB, tiếp nhận báo cáo và báo cáo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ về kết quả thanh tra.
Tuy nhiên, vì bị cáo đã nhận số tiền 390.000 USD nên đã chỉ đạo bị cáo Nhàn và các thành viên trong đoàn cố tình che giấu, bưng bít, dự thảo kết luận thanh tra và các báo cáo không trung thực, không đầy đủ lên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ, nhằm mục đích không chuyển các sai phạm sang cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc làm sai trái này đã tạo điều kiện cho Ngân hàng SCB tiếp tục được thực hiện đề án tái cơ cấu nên cần phải có mức án cao nhất so với các bị cáo khác trong nhóm tội “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Đối với các bị cáo khác trong đoàn thanh tra có nhận quà và tiền từ SCB, theo HĐXX, các bị cáo này không biết việc bị cáo Nhàn gặp Văn để thỏa thuận về việc Nhàn sẽ chỉ đạo ký báo cáo thanh tra theo hướng giảm nhẹ sai phạm tại SCB. Do đó, các bị cáo trong đoàn thanh tra không bị truy tố cùng tội danh “Nhận hối lộ” như bị cáo Nhàn.
Theo Thanh Phương (VietNamNet)