Một điểm tư vấn tại TP Thanh Hóa vẫn đang treo biển. Ảnh chụp chiều 5/12. Ảnh: Hoàng Lam |
Bước đầu ngành chức năng đã xác minh hoạt động của trung tâm này tại Thanh Hóa có những vấn đề đáng chú ý như việc thành lập các văn phòng (điểm giao dịch), bổ nhiệm trưởng giao dịch viên và triển khai chương trình “Trái tim Việt Nam” với các hoạt động vận động quần chúng tham gia làm hội viên chương trình, tổ chức thu tiền, tập huấn, hội thảo cho hội viên chương trình của trung tâm không báo cáo và được sự cho phép của cơ quan có thẩm của địa phương.
Cụ thể ngày 6/8/2015, trung tâm có công văn gửi UBND tỉnh Thanh Hóa để đề nghị phối hợp và tạo điều kiện triển khai chương trình. Ngày 19/8, văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn gửi các sở, ban, ngành liên quan xem xét công văn để báo cáo chủ tịch UBND tỉnh quyết định. Nhưng từ tháng 5/2015, trung tâm đã thành lập các điểm giao dịch chương trình và bổ nhiệm trưởng giao dịch viên trên địa bàn Thanh Hóa để triển khai chương trình trên nhiều địa bàn trong tỉnh. Trung tâm đã vận động trên 1.000 người tham gia làm thành viên và thu một số lượng lớn tiền đóng góp của họ.
Việc triển khai chương trình “Trái tim Việt Nam” của trung tâm trên địa bàn không đúng tôn chỉ, mục đích của chương trình đề ra. Thay vì vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước quyên góp, ủng hộ nông dân nghèo; các thành viên của trung tâm lại vận động chính người dân (là đối tượng cần được hỗ trợ) đóng góp tiền để được tham gia chương trình.
Ngoài ra, hoạt động trên có dấu hiệu “biến tướng” trong việc phổ biến chính sách hỗ trợ thành viên để thu hút, vận động nhiều người tham gia, xây dựng mạng lưới thành viên và đóng tiền theo các mã với số lượng lớn, tương tự như hoạt động kinh doanh hình tháp.
Cụ thể, để trở thành thành viên của trung tâm, mỗi người phải đóng số tiền (mà trung tâm gọi là ủng hộ) với mức tối thiểu là 1.200.000 đồng (gọi là một mã). Người tham gia có thể đóng nhiều mã; từ mã thứ 2 trở đi chỉ phải đóng 700.000 đồng; khi thành viên cũ vận động một người khác tham gia làm thành viên mới thì trung tâm sẽ hỗ trợ cho thành viên cũ số tiền là 500.000 đồng (số tiền này được khấu trừ luôn vào số tiền 1.200.000 đồng do thành viên mới đóng góp).
Các thành viên của trung tâm khi vận động người dân tham gia làm thành viên chương trình đều cam kết bằng miệng là sau một năm người đăng ký thành viên là đóng tiền sẽ nhận được số tiền hỗ trợ tương ứng 5.250.000 đồng/mã và nhân theo tổng số mã tham gia (1 mã = 1.200.000 = 5.250.000 đồng/năm; 10 mã = 7.500.000 đồng = 52.500.000 đồng/năm; 20 mã = 14.000.000 = 105.000.000 đồng/năm…). Do đó, chỉ trong thời gian ngắn hoạt động này đã thu hút rất nhiều người tham gia chương trình với hình thức đóng góp theo các mã để hy vọng sẽ được chi trả lợi nhuận tương đương với lợi nhuận 450% đến 700% năm/tổng số tiền đóng góp; đồng thời tích cực vận động, lôi kéo thêm nhiều người tham gia để được hưởng chính sách hỗ trợ của trung tâm khi phát triển thành viên mới.
Qua kiểm tra thực tế, hầu hết các thành viên khi tham gia đều đóng trến mức tối thiểu (từ 1.900.000 – 7.500.000 đồng), cá biệt, có một số trường hợp đã đóng hàng chục triệu đồng…
Theo Hoàng Lam (Tiền Phong)