Đây là vụ án gây rúng động dư luận, bởi lần đầu tiên tại Việt Nam xảy ra một vụ việc như vậy. Song, xung quanh vụ việc này vẫn còn có những ý kiến trái chiều về việc có xử lý hay không trách nhiệm hình sự của hai đối tượng N và D.
Để trở thành đối tượng được đền bù theo hợp đồng với công ty bảo hiểm, N đã thuê Doãn Văn D, 21 tuổi (người cùng huyện, ảnh bên) với giá 50 triệu đồng chặt tay, chân của mình rồi dựng hiện trường tai nạn đường sắt giả tại khu vực đường sắt đi qua phố Kiều Mai, quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội. Nghi ngờ về lời khai bất nhất của N, Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm đã điều tra, làm rõ và lật tẩy hành vi gian dối của N và D.
Đây là vụ án gây rúng động dư luận, bởi lần đầu tiên tại Việt Nam xảy ra một vụ việc như vậy. Song, xung quanh vụ việc này vẫn còn có những ý kiến trái chiều về việc có xử lý hay không trách nhiệm hình sự của hai đối tượng N và D.
Đối tượng Doãn Văn D. |
Trong bài viết này, mặc dù Lý Thị N là đối tượng chủ mưu, nhưng chúng tôi lại muốn đề cập sâu hơn trách nhiệm của Doãn Văn D - đối tượng đã không ghê tay chặt đứt bàn tay, bàn chân của N. Bởi theo chúng tôi, D đúng là kẻ "máu lạnh", vì tiền có thể sẵn sàng làm bất cứ điều gì. Hành vi của D là nguy hiểm cho xã hội, nếu không bị xử lý hình sự sẽ tạo ra một tiền lệ xấu.
Tuy nhiên, điểm mấu chốt là việc áp dụng pháp luật để xử lý hình sự đối với D như thế nào?
Rõ ràng, hành vi của Doãn Văn D chặt đứt bàn tay, bàn chân của N có dấu hiệu của tội "Cố ý gây thương tích" theo Điều 104 BLHS 1999, sửa đổi năm 2009 (Điều 104 BLHS). Nhưng hành vi của D lại do "bị hại" N thuê mướn nhằm thực hiện một tội phạm khác nên chắc chắn N sẽ không yêu cầu cơ quan công an xử lý D.
Theo qui định tại Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự, các tội phạm được quy định tại khoản 1 Điều 104 BLHS chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
Người thuê chặt chính tay, chân mình nhằm trục lợi bảo hiểm từng "gạ" công an chia đôi tiền bảo hiểm. (Ảnh: Cơ quan chức năng cung cấp) |
Chúng tôi đem vụ việc này trao đổi với luật sư Trần Bình Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa - Nhân Chính thuộc Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, ông cho biết: Đối với những vụ việc tỷ lệ thương tích thấp, bị hại không có đơn yêu cầu cơ quan công an thì không xử lý trách nhiệm hình sự được.
Nhưng trong vụ này, "bị hại" bị mất một bàn tay, bàn chân, tiên lượng tỷ lệ thương tật cao thì cơ quan công an cần đưa đối tượng N đi khám xác định thương tích, làm cơ sở để có hay không xem xét trách nhiệm hình sự đối với D.
Vì Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ qui định tội phạm tại khoản 1 Điều 104 BLHS khi khởi tố hình sự phải có đơn của bị hại; còn khoản 2, 3, 4 điều luật này thì cơ quan công an không cần đơn của bị hại vẫn có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Vậy nếu đưa "bị hại" N đi khám thì tiên lượng tỷ lệ thương tật sẽ là bao nhiêu? Chúng tôi đã tra cứu Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH do liên Bộ Y tế - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành ngày 27.9.2013; phần Bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích ban hành kèm theo Thông tư này có qui định: Tại mục "3.1- Tháo khớp cổ tay một bên", tỷ lệ thương tích là 52%; mục "1- Tháo khớp cổ chân một bên", tỷ lệ thương tích là 45%.
Khoản 2, Điều 104 BLHS qui định: "Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp qui định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm".
Dĩ nhiên, việc xác định tỷ lệ thương tật của N là bao nhiêu phần trăm cần phải được cơ quan chuyên môn xác định. Nhưng nếu căn cứ vào Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH nêu trên để tiên lượng thì "bị hại" N có tỷ lệ thương tật nằm trong điều chỉnh tại khoản 2, Điều 104 BLHS. Trong trường hợp này không cần có đơn của "bị hại", cơ quan công an vẫn có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra.
Vẫn theo luật sư Trần Bình Tuấn cho biết, qua xem xét tình tiết vụ án thì ngay cả trong trường hợp tỷ lệ thương tật của N thấp hơn 31% vẫn có căn cứ áp dụng khoản 2 Điều 104 BLHS, nếu thuộc các trường hợp qui định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 điều này.
Trong khi cắt bỏ tay, chân của N, D đã sử dụng dao là hung khí nguy hiểm (phạm vào điểm "a- Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người") và phạm vào điểm "h- Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê".
Đáng lẽ, khi được Niên thuê, biết rõ mục đích của N là nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Doãn Văn D phải tố giác với cơ quan chức năng. Nhưng D vẫn thực hiện yêu cầu của N là thực hiện hành vi trái pháp luật, chúng tôi cho rằng có dấu hiệu cấu thành tội "Cố ý gây thương tích" theo Điều 104 BLHS năm 2009 cần được khởi tố để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung.
Theo Đào Minh Khoa (CAND Online)