Vụ lừa đảo bệnh nhân tại BV Bạch Mai có tính chất đặc biệt nghiêm trọng
Báo Thanh Niên đưa tin, ngày 31/8, C03 đã ra quyết định khởi tố bị can, khám xét, bắt tạm giam đối với bị can Phạm Đức Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ y tế BMS (Công ty BMS); Ngô Thị Thu Huyền, Phó giám đốc Công ty BMS và Trần Lê Hoàng, Thẩm định viên của Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (Công ty VFS), cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại điều 174 bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Các bị can này được xác định đã cấu kết với nhau để nâng khống lên nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai, nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của người bệnh.
Theo nhiều tài liệu Thanh Niên thu thập được, một trong những thiết bị được BMS thổi giá là robot hỗ trợ Rosa trong phẫu thuật sọ não, có xuất xứ Pháp.
Tuy nhiên, theo trích xuất thông tin từ hải quan, máy robot Rosa được Công ty BMS nhập khẩu vào chỉ với giá gần 7,6 tỉ đồng. Cộng với chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ, ước tính 10,9 tỉ đồng.
Từ đầu năm 2017, Bệnh viện Bạch Mai ký hợp đồng liên doanh liên kết với Công ty BMS về việc đặt máy robot Rosa tại Khoa Phẫu thuật thần kinh, sọ não.
Các bên thống nhất, robot Rosa có tổng giá trị 39 tỉ đồng, do Công ty BMS đầu tư 100% vốn khai thác theo dạng liên doanh liên kết tại Bệnh viên Bạch Mai trong thời hạn 7 năm (2017 - 2024). Hai bên thống nhất ăn chia 50 - 50 sau khi trừ đi các chi phí như thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi vay ngân hàng, bảo hiểm…
Với việc thổi khống giá trị máy lên gấp 4 lần giá trị thực, Công ty BMS và Bệnh viện Bạch Mai đã thu của bệnh nhân số tiền cao gấp nhiều lần số tiền họ phải trả. Trong đó, một ca phẫu thuật theo thiết bị này chỉ khoảng 4 triệu đồng nhưng đã bị đội lên thành 23 triệu đồng.
Thiết bị hoạt động đì đẹt, tạm dừng hoạt động robot Rosa
Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Dương Đức Hùng cho biết, việc lãnh đạo Công ty BMS bị cơ quan công an tạm giam điều tra liên quan vụ việc bán thiết bị cho Bệnh viện Bạch Mai ông mới đọc trên báo. Theo ông Hùng, vụ việc này công an đang điều tra, bệnh viện không nắm được và hiện vẫn đang hoạt động bình thường.
Ông Hùng cũng thông tin, khi Bệnh viện Bạch Mai mua thiết bị có bên thứ ba là công ty có chức năng và chuyên môn thẩm định giá. Bệnh viện không đủ khả năng để xem giá chính xác, nhất là khi thiết bị lần đầu tiên được đầu tư và sử dụng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, sau khi đi vào vận hành tháng 3/2017, các thiết bị này hoạt động rất đì đẹt, số lượng bệnh nhân có nhu cầu phẫu thuật này không đạt như kế hoạch, hiện thiết bị này đang bị tạm dừng hoạt động.
Theo PV (Pháp Luật & Bạn Đọc)