Vụ thanh niên bị chém: Đăng ảnh "không nguyên vẹn" trên Facebook bị phạt thế nào?

06/07/2017 08:41:00

Các luật sư cho rằng, hình ảnh ghê rợn vụ thanh niên bị chém lìa thân thể ở Vĩnh Phúc được lan truyền rộng khắp trên mạng xã hội facebook đã gây hoang mang, tác động xấu đến xã hội.

Các luật sư cho rằng, hình ảnh ghê rợn vụ thanh niên bị chém lìa thân thể ở Vĩnh Phúc được lan truyền rộng khắp trên mạng xã hội facebook đã gây hoang mang, tác động xấu đến xã hội.

Vụ thanh niên bị chém: Đăng ảnh
 

Ngay say đó, các hình ảnh ghê rợn về hiện trường vụ án cũng như thi thể đứt rời của nạn nhân đã được chia sẻ, lan truyền rộng khắp trên mạng xã hội facebook gây ra sự hoang mang, thậm chí phát hoảng với nhiều người.

Luật sư Phạm Công Út (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, vụ án mạng ở Vĩnh Phúc đã tạo sự ghê rợn, hung bạo, gây hoang mang cho dư luận xã hội không chỉ do hậu quả mà do hình ảnh bạo lực "thi thể không nguyên vẹn" bị phát tán nhanh chóng trên mạng xã hội.

Đối với hành vi đăng tải, phát tán những hình ảnh ghê rợn, theo luật sư Út, pháp luật Việt Nam đã có chế tài xử phạt vi phạm hành chính.

Cụ thể tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sửa dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng quy định các hành vi bị cấm: "Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích tuyên truyền, kích động bạo lực...".

"Trong trường hợp này, nếu cơ quan thẩm quyền chứng minh được hành vi đăng tải, phát tán những hình ảnh trên với mục đích như trên thì người đăng tải, phát tán hình ảnh sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện", luật sư Út nêu rõ.

Tuy nhiên, trên thực tế, theo luật sư Út, việc xử phạt hành chính đối với hành vi này khó áp dụng bởi việc xác định chính xác đối tượng đăng tải, phát tán hình ảnh rất khó khăn.

Vụ thanh niên bị chém: Đăng ảnh không nguyên vẹn trên Facebook bị phạt thế nào? - Ảnh 1.

Luật sư Phạm Công Út.

"Hầu hết các hình ảnh này xuất phát từ các trang mạng xã hội điển hình là facebook, nhưng trang facebook rất khó xác định về nhân thân của người dùng mạng.

Nhất là nếu những hình ảnh này được gửi từ trong nước ra nước ngoài để đăng tải lên mạng xã hội còn địa chỉ chủ tài khoản từ nước ngoài.

Thứ hai, cơ quan có thẩm quyền phải xác định mục đích của việc đăng tải, phát tán hình ành của những cộng đồng mạng là nhằm mục đích gì có phải nhằm mục đích gây hoang mang dư luận, lan truyền hình ảnh mang tính kích động bạo lực….

Nhưng việc xác định mục đích này mang tính chủ quan của cá nhân nên rất khó để xử phạt", luật sư Út chia sẻ.

Cũng theo luật sư Út do hai Nghị định trên còn nhiều hạn chế nên Bộ Thông tin Truyền thông đã xây dựng và đang lấy ý kiến về Nghị định xử phạt mới về vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, Công nghệ thông tin mạng.

"Trong Nghị định đang lấy ý kiến này sẽ giải quyết được rõ ràng, nghiêm khắc hơn những hành vi như đăng tải, phát tán thông tin liên quan đến việc giết người chém lìa như trên với mức phạt từ 5 - 10 triệu đồng...", luật sư thông tin.

Còn theo luật sư Đào Trọng Hoàn (Hưng Yên) cho rằng, gia đình nạn nhân trong vụ án này có quyền kiến nghị, đề nghị các cơ quan chức năng đảm bảo quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân.

Cụ thể, theo luật sư, nếu gia đình nạn nhân thấy, những hình ảnh ghê rợn bị đăng tải, phát tán mà không được làm mờ, nhòe gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của cá nhân thì có thể kiến nghị các cơ quan chức năng yêu cầu những người đăng tải, phát tán hoặc các đơn vị quản lý mạng xã hội, facebook phải gỡ bỏ, xin lỗi.

Ngoài ra, nếu thấy các hình ảnh mang tính chất ghê rợn như vụ án mạng này thì có thể báo lại cho chính đơn vị quản lý facebook để gỡ bỏ.

Theo Hoàng Đan (Trí Thức Trẻ)