Bố mẹ Vũ Văn Tiến. Ảnh: K.T. |
Luật sư Nam cho biết, ông vừa vào trại giam gặp Dương để hỏi thêm một số tình tiết để bào chữa cho Tiến tại phiên phúc thẩm sắp tới. Dương nói rằng Tiến rất hiền, chắc chắn sẽ không dám cãi lời nên mới lôi kéo cùng thực hiện tội ác. Trước khi giết một người, Dương ra lệnh "làm đi Tiến" để bị cáo này siết cổ nạn nhân. Theo lời Dương thì sau khi siết cổ nạn nhân bất tỉnh, Tiến đều bỏ ra ngoài hoặc ngoảnh mặt đi nơi khác, không dám nhìn Dương dùng dao đâm người.
Chữ ký xin giảm án của người dân có phải là tình tiết giảm nhẹ hay không? Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP HCM) cho biết, chữ ký người dân xin giảm án cho bị cáo không có trong danh mục các tình tiết giảm nhẹ theo khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 46 quy định: Khi quyết định hình phạt, tòa án có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án. Tùy vào từng phiên tòa mà HĐXX sẽ xem xét chữ ký xin giảm án của người dân có phải là tình tiết giảm nhẹ hay không.
"Dương nói rằng anh ta gây tội thì phải chịu, nhưng rất hối hận vì đã lôi kéo Tiến vào con đường tội ác. Anh ta khẩn cầu tôi bằng mọi cách cứu lấy Tiến", luật sư Nam thông tin.
Theo lịch, sáng 21/3 sẽ xét xử thảm sát Bình Phước cùng 3 vụ án khác tại phòng xử án C, TAND cấp cao tại TP HCM. Tuy nhiên, đến ngày 14/3, Vũ Văn Tiến vẫn chưa nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Đồng thời, tại phiên phúc thẩm lần này, Tiến tiếp tục yêu cầu luật sư Nam bào chữa cho mình. Tuy nhiên, Tòa cấp cao không triệu tập ông Nam mà chỉ định người khác, mặc dù vị luật sư này có giấy chứng nhận bào chữa cho bị cáo. Theo quy định pháp luật, giấy chứng nhận bào chữa có giá trị trong các giai đoạn tố tụng, trừ khi bị cáo không yêu cầu hoặc luật sư không được tham gia bào chữa theo quy định pháp luật.
Luật sư Nam cho biết, ông sẽ kiến nghị hoãn phiên tòa phúc thẩm sắp tới để tòa cấp cao đưa vụ án ra xét xử theo trình tự, đúng quy định của pháp luật. Bố mẹ Tiến cũng tiếp tục yêu cầu luật sư Nam bào chữa cho con mình. Lý do họ đưa ra là luật sư Nam đã theo bào chữa cho Tiến từ những ngày đầu nên nắm rất rõ những tình tiết trong vụ án. Nếu luật sư khác mới tiếp xúc vụ án sẽ không hiểu vụ việc, ảnh hưởng đến việc bào chữa sẽ gây thiệt thòi về quyền lợi cho Tiến.
Theo nội dung vụ án, do bị bạn gái là Lê Thị Ánh Linh (22 tuổi, ngụ huyện Chơn Thành, Bình Phước) chia tay nên Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang) nảy sinh ý định trả thù. Dương rủ Trần Đình Thoại (27 tuổi, ngụ Vĩnh Long) tham gia và người này đồng ý. Tuy nhiên, sau đó Thoại sợ nên rút lui nhưng vẫn mua thêm dao cho Dương gây án. Rạng sáng 7/7, Dương cùng Tiến đột nhập vào nhà Linh và giết 6 người trong gia đình cô gái này. Tại phiên xử sơ thẩm ngày 17/12, TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên phạt Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, ngụ An Giang) tử hình, Vũ Văn Tiến (24 tuổi, ngụ Bình Phước) tử hình và Trần Đình Thoại (27 tuổi, quê Vĩnh Long) 16 năm tù cùng về tội Giết người, Cướp tài sản. Một tuần sau, luật sư Lê Văn Nam (người bào chữa cho bị cáo Vũ Văn Tiến) xác nhận, thân chủ của ông đã làm đơn kháng cáo xin giảm án tử hình lên TAND cấp cao tại TP HCM. |