Phòng Cảnh sát hình sự-Công an tỉnh Cà Mau xác nhận chiều 9/8, hai đối tượng còn lại liên quan đến việc chống người thi hành công vụ đã đến cơ quan công an đầu thú.
Hai đối tượng này được xác định là Phạm Văn Nguyên (23 tuổi, ngụ xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) và Phạm Văn Bé (29 tuổi, ngụ huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu).
"Hiện Phòng Hình sự đã lập biên bản vụ việc, đồng thời bàn giao hai đối tượng này cho Công an huyện Cái Nước điều tra theo thẩm quyền," Đại tá Ngô Tấn Quốc, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Cà Mau cho biết.
Trước đó, ngày 7/8, Công an huyện Cái Nước đã bắt tạm giữ 3 đối tượng để điều tra gồm Phạm Hoàng Kiếm (60 tuổi, chủ nhà); Lê Thị Hiến (52 tuổi, vợ ông Kiếm) và Lê Thành Lập (anh bà Hiến), cùng ngụ ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước.
Đại tá Nguyễn Văn Minh, Trưởng Công an huyện Cái Nước cho biết đơn vị đã khởi tố vụ án "chống người thi hành công vụ" và "cố ý gây thương tích" để điều tra.
Trước mắt, cơ quan điều tra khởi tố 2 vụ án trên, khi đủ hồ sơ chứng cứ sẽ tiến hành các bước tố tụng tiếp theo.
Như TTXVN đã thông tin, theo Quyết định tại Bản án số 148/2018/DSST ngày 12/7/2018 của Tòa án Nhân dân huyện Cái Nước xét xử giữa nguyên đơn - ông Nguyễn Văn Việt (sinh năm 1952) và bà Quách Tuyết Hồng (sinh năm 1953) - cùng ngụ tại số 82, Lý Thái Tôn, khóm 2, phường 4, thành phố Cà Mau với bị đơn - ông Phạm Hoàng Kiếm và bà Lê Thị Hiến cùng ngụ ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tòa tuyên xử "... Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Việt, bà Hồng đối với ông Kiếm, bà Hiến. Tòa buộc ông Kiếm, bà Hiến phải tháo dỡ toàn bộ căn nhà và các công trình kiến trúc trên đất trả lại cho ông Việt, bà Hồng với tổng diện tích là 67,5m2 tại ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau."
Trước khi tổ chức cưỡng chế, cơ quan chức năng đã tính đến việc thực hiện chính sách đảm bảo an sinh xã hội.
Cơ quan thi hành án dân sự huyện Cái Nước đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân xã Thạnh Phú nhiều lần đến vận động, thuyết phục hộ ông Kiếm, bà Hiến tự giác di dời, tháo dỡ nhà và công trình kiến trúc trên đất, bố trí cho người phải thi hành án cùng gia đình mượn một phần đất khoảng 3.000m2, trên đó có sẵn một căn nhà để gia đình ổn định cuộc sống sau này; đồng thời động viên phía nguyên đơn hỗ trợ 40 triệu đồng cho người phải thi hành án nếu tự nguyện di dời.
Tuy vậy, vợ chồng ông Kiếm không tự nguyện thi hành việc giao đất trả lại cho ông Nguyễn Văn Việt và bà Quách Tuyết Hồng với lý do không thống nhất với bản án xét xử của Toàn án Nhân dân huyện Cái Nước.
Khúc mắc của vụ việc được xác định là do bà Hiến cho rằng lúc cha mẹ còn sống đã cho vợ chồng bà 3.000m2 đất, nhưng chỉ làm giấy tay, không tách thửa trong sổ đỏ mà ông Lê Vũ Khi (anh bà Hiến) sở hữu với tổng diện tích hơn 4.600m2 đã làm thủ tục sang bán cho ông Việt, bà Hồng. Vì vậy, vợ chồng ông Kiếm, bà Hiến nhất định không di dời.
Do đó, chủ đất mới sau khi sang nhượng đã khởi kiện ra tòa và vụ việc đã được Toà án Nhân dân huyện Cái Nước tuyên án, buộc gia đình bà Hiến phải di dời nhà cửa, trả lại đất cho người mua.
Đến ngày 7/8, Chi cục thi hành án dân sự huyện Cái Nước đã thành lập đoàn tổ chức cưỡng chế trên phần đất 67,5m2 của gia đình ông Kiếm để thi hành án.
Tuy nhiên, một số đối tượng đã dùng hung khí chống trả và hất xăng vào đoàn cưỡng chế rồi bật lửa đốt, khiến 7 cán bộ trong đoàn công tác bị thương và bị bỏng phải đưa vào viện cấp cứu./.
Theo Huỳnh Anh (Vietnam+)