Vụ án giết người chìm khuất 13 năm, phá án trong 13 ngày
Chiều 6/12 vừa qua, ông Nguyễn Văn Quỳ (trú tại thôn 5, làng Pháp Cổ, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), phát hiện một bộ hài cốt không còn nguyên vẹn ở bể nước thải bỏ hoang trong vườn nhà trong lúc đi tìm chó lạc và báo cơ quan chức năng.
Kết quả giám định ADN xác định, đây hài cốt là của chị Nguyễn Thu Th., sinh năm 1988 - người phụ nữ mất tích 13 năm trước sau một lần đi giao gas.
Công an TP Hải Phòng xác định, vụ việc có dấu hiệu hình sự nên đã khởi tố vụ án để điều tra làm rõ nguyên nhân.
Ông Nguyễn Văn Hiển, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hải Phòng chia sẻ trên báo VnExpress rằng đây là một vụ án phức tạp, do trong ngần ấy thời gian các dấu vết đã bị xoá nhưng lực lượng chức năng quyết không từ bỏ.
200 cảnh sát được huy động và mất 8 ngày tỏa đi khắp nơi xác minh. Trong vụ án này, số lượng người điều tra xác minh rất lớn. Cùng với chính quyền địa phương, Ban chuyên án đã lập danh sách 4 người nghi vấn nhất, trong đó có Bùi Trọng Thành - con riêng vợ của ông Quỳ. Khi bị triệu tập, cả 4 người đều không thừa nhận liên quan cái chết của chị Th.
Trong 4 người này, các điều tra viên nhận thấy Thành có "tâm lý đáng ngờ nhất". Nắm bắt điều đó, ban chuyên án nhiều lần mời Thành đến làm việc. Cuối cùng nghi phạm đã cúi đầu nhận tội.
Báo CAND dẫn lời khai của kẻ thủ ác thú nhận, trong suốt 13 năm qua Thành luôn sống trong nỗi dằn vặt, sợ hãi. Mỗi ngày hắn chỉ ngủ được một vài tiếng, còn lại là thao thức vì bị ám ảnh. Luôn mong muốn tội ác của mình sẽ không bị bại lộ, nhưng Thành cũng chuẩn bị sẵn tinh thần cho ngày trả giá. Vì vậy nên Thành không lập gia đình, vì lo sợ vợ con sau này sẽ bị liên lụy. Thành còn nghĩ đến việc báo hiếu sớm nên từ sau khi gây án hắn lao vào làm việc, kiếm tiền xây nhà, trang trải cho mẹ mình trước lúc đền tội.
Trung tá Nguyễn Văn Hiển chia sẻ với báo trên, cũng do đối tượng bị ám ảnh về tội ác của mình nên khi khai nhận hành vi phạm tội, Thành nhớ rõ từng chi tiết, phù hợp với chứng cứ, tài liệu thu thập được. Và được sự động viên, giải thích của cán bộ điều tra, đối tượng Bùi Trung Thành đã giữ bình tĩnh, hợp tác với cơ quan công an trong quá trình lấy lời khai và thực nghiệm điều tra.
Trong vụ án này, điều trùng hợp là sau 13 ngày, Công an TP Hải Phòng đã điều tra, khám phá thành công vụ án bị che giấu trong suốt 13 năm.
Cũng theo chia sẻ của Trung tá Hải: "Việt Nam có 5 vụ phát hiện thi thể sau một thời gian rất dài mất tích, duy nhất vụ này được phá thành công".
Nghi phạm đối diện với mức án nào?
Trao đổi với PV báo Giao thông, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, với thông tin đến nay thì đối tượng đã thực hiện hành vi xâm phạm đến tính mạng của nạn nhân và xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản nên cơ quan điều tra sẽ khởi tố về hai tội danh là: Tội giết người theo Điều 93 Bộ luật Hình sự 1999 và tội cướp tài sản theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Tiến sĩ Cường phân tích: Về nguyên tắc chung là hành vi vi phạm pháp luật xảy ra ở thời điểm nào thì sẽ áp dụng văn bản quy phạm pháp luật ở thời điểm đó. Vụ việc xảy ra vào năm 2010, thời điểm đó Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 đang có hiệu lực pháp luật.
Theo đó, tội cướp tài sản được quy định tại điều 133 và tội giết người được quy định tại điều 93 của bộ luật này. Ở thời điểm đó hai tội danh này đều có mức hình phạt cao nhất là tử hình.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội thì đối tượng này mới 17 tuổi, là người chưa thành niên phạm tội nên sẽ được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật về người chưa thành niên phạm tội. Theo đó, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội thì không áp dụng hình phạt tù chung thân, tử hình. Mức hình phạt tù có thời hạn cao nhất là 18 năm tù.
Chính vì vậy, mặc dù hiện nay đối tượng đã gần 30 tuổi nhưng tại thời điểm thực hiện hành vi, đối tượng mang ý chí chủ quan của người chưa đủ 18 tuổi nên được áp dụng quy định pháp luật về người dưới 18 tuổi phạm tội. Theo đó hình phạt mà đối tượng này có thể bị áp dụng cho cả hai tội danh là không quá 18 năm tù theo quy định của pháp luật.
Theo Duy Anh (Đời sống Pháp luật)