Chiều 16.1, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh cùng đồng phạm về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại các Ngân hàng VNCB, Sacombank, TPBank và BIDV tiếp tục phần xét hỏi.
Đáng chú ý, trong phiên tòa chiều nay, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã cho phép luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang quay lại phần xét hỏi đại diện Ngân hàng CB (trước đây là VNCB) một số vấn đề liên quan đến dòng tiền 4.500 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ của Ngân hàng VNCB.
Luật sư Huyền Trang thông tin, nguồn tiền 4.500 tỷ đồng do 22 cá nhân làm đại diện cho Phạm Công Danh dùng để tăng vốn điều lệ và đã hòa vào dòng tiền VNCB, hiện số tiền đó ở đâu?
Trả lời về vấn đề này, đại diện Ngân hàng CB xác nhận, số tiền đó đã hòa vào dòng tiền chung của VNCB. Đại diện CB cho biết thêm, trong thời gian từ 14.2-26.7.2014, VNCB chỉ còn lại 526,1 tỷ đồng nhưng không thể tính được trong đó, số tiền của khoản 4.500 tỷ đồng còn lại là bao nhiêu.
Trước vấn đề này, luật sư lập luận rằng trong số 81.000 tỷ đồng được rút ra khỏi VNCB có 4.500 tỷ đồng, toàn bộ số tiền này là do ngân hàng sử dụng chứ không phải Phạm Công Danh. Ông Danh không sử dụng cho mục đích cá nhân.
Vị đại diện CB cho biết, từ 14.2-26.7.2014, số dư của VNCB tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là 80.429 tỷ, tổng phát sinh nợ là hơn 81.000 tỷ. Tính từ số dư trong tài khoản tiền gửi của VNCB tại thời điểm đó là âm 694 tỷ. Đại diện CB cho biết, khi đó, số tiền 4.500 tỷ đồng nằm trong tài khoản của VNCB tại NHNN. Trong 13.000 tỷ đồng (số dư đầu ngày 14.2.2014) không có số tiền 4.500 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ mà có tại tổ chức tín dụng khác.
Khi luật sư hỏi đại diện CB rằng, VNCB đã sử dụng hết số tiền do hòa hết vào dòng vốn rồi phải không, đại diện CB trả lời, việc hòa vào dòng vốn không thể xác định được là đã sử dụng như thế nào.
HĐXX đặt lại câu hỏi: “Tức đầu ngày 14.2-26.7.2014 có tiền vào hơn 80.000 tỷ và đi ra 81.000 tỷ, trong đó có cả 4.500 tỷ đúng không?”. Đại diện CB xác nhận là có. Tuy vậy, đại diện CB khẳng định khi tiền đã hòa vào dòng tiền chung thì không thể xác định được số tiền 4.500 tỷ đồng còn lại là bao nhiêu, chỉ biết rằng, chốt kinh doanh năm 2014, số tiền VNCB còn lại chỉ có 34 tỷ đồng.
Luật sư nêu quan điểm cho rằng, ngân hàng sử dụng số tiền 4.500 tỷ chứ không phải các cá nhân Phạm Công Danh và đồng phạm sử dụng. Trong khi NHNN không chấp thuận cho tăng vốn, VNCB phải trả lại tiền cho 22 cá nhân. Số tiền 4.500 tỷ đã hòa vào dòng tiền chung nên không thể tách bạch được để trả lại cho họ. Do vậy, VNCB thời điểm đó phải dùng tiền gửi của mình đảm bảo cho các khoản mà khách hàng nợ tại BIDV…
Đại diện CB cho rằng, việc BIDV nói riêng và 3 ngân hàng kia sẽ trả lời tại phần tranh luận, nhưng câu trả lời là không đúng. Ông cũng phủ nhận VNCB vay tiền của ngân hàng khác để tăng vốn điều lệ.
Trước đó, tại tòa, các bị cáo Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương đã nhiều lần trả lời các câu hỏi liên quan đến số tiền 4.500 tỷ (chủ yếu vay từ BIDV). Các bị cáo khẳng định, số tiền này không bị thất thoát, không bị mất đi mà nó vẫn còn tồn tại và đang hòa vào dòng tiền chung của Ngân hàng CB. Bị cáo Phạm Công Danh trả lời luật sư rằng, thời điểm đó, ông chịu sức ép lớn từ tăng vốn điều lệ và phải tìm mọi cách để cứu ngân hàng. Ông cũng nhiều lần đề nghị được xem xét đối trừ 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ để trừ trong phần thiệt hại tại VNCB. Bởi theo ông, khoản tiền này đều hòa chung dòng tiền ngân hàng nên cần được trừ trong tổng thiệt hại của VNCB.
Riêng bị cáo Phan Thành Mai trong phần xét hỏi vừa qua từng đề nghị HĐXX xem xét lại hậu quả của các bị cáo gây ra. Bị cáo này cho biết, thực tế số tiền thiệt hại mà Phạm Công Danh cùng đồng phạm gây ra không phải là 6.126 tỷ như cáo trạng, mà ít hơn nếu cấn trừ đi số tiền 4.500 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ Ngân hàng VNCB. Số tiền 4.500 tỷ hiện vẫn còn và đã hòa chung vào dòng tiền của ngân hàng này. Do đó, bị cáo đề nghị HĐXX xem xét cấn trừ số tiền trên để khắc phục hậu quả.
Theo Hữu Ký (Dân Việt)