Video: Ông Trần Bắc Hà đã rời Việt Nam?
Liên quan đến phần xác định trách nhiệm dân sự liên quan đến vụ án, sáng nay (22.1) đại diện VKS đã đề nghị HĐXX giải tỏa kê biên bất động sản tại số 591 An Dương Vương (Q.6) vì căn nhà này được xác định thuộc sở hữu của bà Viên Tú Anh, chị của bị cáo Trầm Bê. Lý do bà Tú Anh không liên quan đến vụ án.
Riêng căn nhà tại 601 Hồng Bàng, được xác định của bị cáo Trầm Bê, đại diện VKS đề nghị HĐXX xem xét. Được biết sau khi bị bắt, cơ quan điều tra đã kê biên các quyền sử dụng đất tại số 591 An Dương Vương, phường An Lạc A, quận Bình Tân và quyền sử dụng đất số 601 Hồng Bàng.
Đại diện VKS nhận định, bị cáo Trầm Bê - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTD Sacombank có mối quan hệ thân thiết với Phạm Công Danh. Khi Danh đề nghị vay tiền Sacombank, bị cáo Trầm Bê đã đồng ý với điều kiện có tài sản đảm bảo, cho Danh vay tối đa 1.800 tỷ đồng. Sau đó bị cáo Trầm Bê đã giao ông Phan Huy Khang - Tổng Giám đốc Sacombank và các chi nhánh cho vay 1.800 tỷ đồng, dù các công ty lập hồ sơ khống, không có hoạt động kinh doanh.
VKS cho rằng tại tòa, bị cáo Trầm Bê cho biết có thể cho Phạm Công Danh vay tiền là nhận thức chưa đúng về hoạt động tổ chức tín dụng. VNCB không được bảo lãnh cho các công ty vay tiền, Sacombank cũng không được phép cho các công ty (do Phạm Công Danh lập ra) vay tiền. Mặc dù hồ sơ chưa đầy đủ, Trầm Bê vẫn phê duyệt cho vay, sau đó Sacombank thu hồi được số tiền vay từ nguồn tiền bảo lãnh của VNCB nhưng ngân hàng VNCB đã bị thiệt hại trong vụ này 1.800 tỷ đồng. Do đó, đại diện VKS đề nghị mức án từ 5 – 6 năm tù cho bị cáo Trầm Bê về tội cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Cũng liên quan đến phần trách nhiện dân sự, trong phiên tòa sáng nay đại diện VKS đã đề nghị HĐXX thu hồi 6.126 tỷ đồng từ các ngân hàng BIDV, Sacombank, TPBank đã cho VNCB vay để khắc phục hậu quả. VKS đề nghị HĐXX xác minh thiệt hại cụ thể tại phiên tòa để tuyên thu hồi.
Bên cạnh đó, VKS cũng đề nghị HĐXX buộc bị cáo Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh có trách nhiệm bồi hoàn lại hơn 6.126 tỷ đồng cho 3 ngân hàng BIDV, Sacombank, TPBank. Còn bị cáo Nguyễn Việt Hà nộp lại 66,8 tỷ đồng thu lợi bất chính.
“Kết quả thẩm vấn công khai tại tòa cho thấy nếu không có sự hỗ trợ thì Phạm Công Danh sẽ không thể vay được tiền bằng hồ sơ khống và VNCB sẽ không bị thiệt hại. Đề nghị HĐXX xem xét trách nhiệm của những người liên quan tại 4 ngân hàng để làm rõ”, đại diện VKS nêu.
Theo hồ sơ, năm 2013 và 2014, Phạm Công Danh đã chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên ngân hàng VNCB và nhân viên thuộc tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 hồ sơ khống vay vốn tại các ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV; đồng thời dùng tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng trên để cầm cố, bảo lãnh cho các khoản vay. Sau đó bị 3 ngân hàng thu hồi nợ từ tiền gửi của VNCB với tổng số tiền hơn 6.000 tỷ đồng. Do các công ty làm hồ sơ vay khống không thực hiện kinh doanh theo phương án cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ. Còn VNCB thực hiện bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên không thu hồi được số tiền bảo lãnh từ các công ty. Từ đó dẫn đến thiệt hại cho VNCB hơn 6 ngàn tỷ đồng.
Theo Hữu Ký (Dân Việt)