Vụ nữ giáo viên gây thất thoát 45 triệu đồng bị tuyên 5 năm tù giam: Có thể được giảm án?

05/05/2023 23:19:33

"HĐXX phúc thẩm sẽ xem xét, đánh giá lại toàn bộ nội dung vụ án. Nếu tại phiên tòa phúc thẩm xuất hiện tình tiết mới, xuất hiện tình tiết giảm nhẹ mới thì tòa sẽ căn cứ đưa ra mức án phù hợp. Có nhiều trường hợp ở tòa sơ thẩm xử 5 năm, 10 năm tù nhưng khi lên phiên tòa phúc thẩm được giảm thấp hơn..." - Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An Trần Ngọc Sơn cho hay.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hưng Nguyên, từ ngày 1/10/2012 đến năm 2017, Lê Thị Dung là Bí thư chi bộ, Giám đốc, Chủ tài khoản của Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao nhiều lần thanh toán trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt số tiền hơn 48 triệu đồng từ nguồn Ngân sách nhà nước cấp.

Tại phiên tòa sơ thẩm đã giảm số tiền mà bị cáo Dung gây thất thoát xuống gần 45 triệu đồng. Tòa tuyên án 5 năm tù đối với bị cáo Lê Thị Dung về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 356 Bộ luật hình sự.

Bản án của Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) tuyên phạt bị cáo Lê Thị Dung - nguyên Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên đã gây xôn xao dư luận và nhiều ý kiến trái chiều.

Trao đổi với PV Tiền Phong về vụ án này, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An Trần Ngọc Sơn cho hay: Sau khi nhận hồ sơ từ tòa án cấp dưới, Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ xem xét, đánh giá lại toàn bộ nội dung vụ án. Nếu tại phiên tòa phúc thẩm xuất hiện tình tiết mới, xuất hiện tình tiết giảm nhẹ mới thì tòa sẽ căn cứ đưa ra mức án phù hợp.

"Có nhiều trường hợp ở tòa sơ thẩm xử 5 năm, 10 năm tù nhưng khi lên phiên tòa phúc thẩm được giảm thấp hơn. Hiện, Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên cũng đã có báo cáo gửi Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An về vụ án”, ông Sơn nói.

Có thể giảm án thấp hơn 5 năm?

Nói về việc cơ quan tố tụng áp dụng điểm b, khoản 2, Điều 356 Bộ luật hình sự đối với bị cáo Lê Thị Dung có hợp lý không? TS.LS. Nguyễn Vinh Diện - Văn phòng Luật sư Vinh Diện & Cộng sự (Đoàn Luật sư Nghệ An) cho biết: “Nếu có căn cứ để xác định bị cáo Lê Thị Dung phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự và có căn cứ xác định bị cáo Lê Thị Dung gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền 48.383.908 triệu đồng, trong đó có 2 lần gây thiệt hại hơn 10 triệu đồng thì việc Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên áp dụng điểm b khoản 2 Điều 356 Bộ luật hình sự đối với bị cáo Dung là đúng”.

Vụ nữ giáo viên gây thất thoát 45 triệu đồng bị tuyên 5 năm tù giam: Có thể được giảm án?
Bà Lê Thị Dung - Nguyên giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên.

TS.LS. Nguyễn Vinh Diện lí giải, người phạm tội gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì bị xử lý về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo quy định khoản 1 Điều 356. Nếu thực hiện hành vi phạm tội mà có 02 lần gây thiệt hại từ 10 triệu đồng trở lên và tổng thiệt hại là hơn 48 triệu đồng thì bị áp dụng điểm b khoản 2 Điều 356 Bộ luật hình sự.

Do bị cáo Lê Thị Dung bị cáo buộc có 2 lần thực hiện hành vi phạm tội, một lần gây thiệt hại hơn 30 triệu đồng, một lần gây thiệt hại gần 14 triệu đồng nên bị cáo Dung bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng là “phạm tội 02 lần trở lên”.

Tuy nhiên, TS.LS. Nguyễn Vinh Diện cho rằng: “Khi xét xử, tòa án có thể chuyển khung hình phạt cho bị cáo Lê Thị Dung xuống khoản 1 Điều 356 Bộ luật hình sự và có thể quyết định hình phạt cho bị cáo Dung theo khoản 1 Điều 356 Bộ luật hình sự (mức hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm) nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định. Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự thì Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự.

Vụ nữ giáo viên gây thất thoát 45 triệu đồng bị tuyên 5 năm tù giam: Có thể được giảm án? - 1
Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, Nghệ An.

Ở cấp sơ thẩm tại Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên, bị cáo Dung chỉ được áp dụng 1 tình tiết giảm nhẹ là “người phạm tội là người có thành tích xuất sắc…”. Ở cấp phúc thẩm, nếu bị cáo Dung có thêm tình tình tiết giảm nhẹ mới theo quy định tại khoản khoản 1 Điều 51 thì bị cáo Dung có thể được Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm để giảm mức hình phạt cho bị cáo thấp hơn 5 năm.

Cơ quan tố tụng 'áp' thông tư sai?

Cáo trạng số 68/CT–VKS–HN ngày 29/11/2022 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Hưng Nguyên xác định: “Sau khi được bổ nhiệm, hàng năm Lê Thị Dung đã chỉ đạo kế toán, các tổ chuyên môn, công đoàn của Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên tham mưu xây dựng quy chế hoạt động chuyên môn, quy chế chi tiêu nội bộ từ năm 2012 đến năm 2017. Quá trình tham dự họp để xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ năm 2012 có đưa các nội dung về chế độ tiền lương, tiền công, làm thêm giờ, tuy nhiên nội dung: “đi học cao học; tập huấn, kiểm tra trong ngày làm việc bình thường; trực hè; bí thư chi bộ; bồi dưỡng giáo viên; quản lý lớp tự học; đi tập huấn; tuyển sinh; văn nghệ; trực thay; làm ngoài giờ; đưa học sinh đi thi học sinh giỏi; coi thi; lao động, chuyên đề bồi dưỡng cho giáo viên; hội họp; thư ký hội đồng, công tác thi đua; thanh tra; trực bồi dưỡng học sinh giỏi” không đúng quy định theo quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10 Thông tư 28/2009/BGD&ĐT ngày 21/10/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Lê Thị Dung không báo cáo xin ý kiến của Giám đốc Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Nghệ An.”

Vụ nữ giáo viên gây thất thoát 45 triệu đồng bị tuyên 5 năm tù giam: Có thể được giảm án? - 2
Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên nơi xét xử phiên tòa sơ thẩm đối với bị cáo Lê Thị Dung.

Nói về nội dung này, đại diện Công ty Luật sư Vũ Anh (Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh) cho biết: Đối chiếu quy định tại Điều 2 Thông tư 28/2009/TT-BGD&ĐT ngày 21/10/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông quy định về đối tượng điều chỉnh: Văn bản này áp dụng đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy, giáo viên làm công tác quản lý ở các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm: trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường chuyên, trường lớp dành cho người khuyết tật (sau đây gọi chung là các trường phổ thông).

"Vì thế, Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư số 28/2009/TT-BGD&ĐT nên quy kết trong Cáo trạng là thiếu căn cứ pháp lý, áp dụng sai pháp luật, có dấu hiệu hàm oan cho cô giáo Lê Thị Dung” - đại diện Công ty Luật sư Vũ Anh nói.

Theo Cảnh Huệ - Phú Hưng (Tiền Phong)