Video: Chủ tọa đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử Nguyễn Khắc Thủy
“Án treo không thể bù trừ cho các chứng cứ buộc tội yếu và quyết định của chánh án TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) về việc đình chỉ công tác của thẩm phán chủ tọa có phần hơi vội vàng”. Luật sư Phạm Công Hùng, người có 16 năm làm thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao, đã nhận xét như thế khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM xung quanh các diễn biến liên quan trong vụ xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Khắc Thủy phạm tội dâm ô đối với trẻ em.
Nhận thức đúng nhưng xử sai
. Phóng viên: Từ kháng cáo của bị cáo Thủy, án phúc thẩm đã giảm mức hình phạt cho bị cáo từ ba năm tù xuống 18 tháng tù treo. Giải thích thêm thẩm phán chủ tọa cho rằng chỉ có đủ chứng cứ để kết tội bị cáo dâm ô đối với một trẻ, còn án treo là vì bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như lớn tuổi, mắc nhiều bệnh, có công đóng góp cho ngân hàng ở địa phương… Ông có nhận xét gì về việc tuyên án này?
+ Ông Phạm Công Hùng: Tôi cho rằng nhận thức của thẩm phán chủ tọa phiên tòa về việc tòa án không thể tuyên bố một người phạm tội trong khi các chứng cứ buộc tội họ còn yếu và có nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ tại phiên tòa thông qua tranh tụng là hoàn toàn chính xác, đúng pháp luật.
Tuy nhiên, khi xét xử vụ án trên thì HĐXX phúc thẩm đã làm ngược lại, đã tuyên bố bị cáo phạm tội (mặc dù họ cho rằng chứng cứ buộc tội bị cáo đó còn yếu) và áp dụng hình phạt tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo là vô cùng sai trái và vi phạm nghiêm trọng quy định của BLTTHS và BLHS.
Cần lưu ý là các quy định của pháp luật cũng như đòi hỏi của xã hội không cho phép HĐXX và thẩm phán coi việc cho bị cáo được huởng án treo là yếu tố để bù trừ cho các chứng cứ buộc tội của vụ án còn yếu như quyết định của HĐXX vụ án trên.
. Dư luận đã rất phản ứng việc xử án treo bởi lẽ khoản 2b Điều 2 Nghị quyết 01/2013/HĐTP TAND Tối cao có lưu ý “không được xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với các tội phạm mà dư luận xã hội lên án”. Ông nhận xét gì về cách xác định các tình tiết giảm nhẹ của án phúc thẩm trên?
+ Về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, bản án phúc thẩm áp dụng tình tiết người phạm tội lớn tuổi (tức người phạm tội là người già) là phù hợp với điểm o khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015, áp dụng tình tiết “người phạm tội mắc nhiều bệnh” là phù hợp với khoản 2 Điều 51 BLHS. Thế nhưng việc bản án phúc thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ “có nhiều đóng góp cho ngân hàng địa phương” là trái pháp luật, vì BLHS không coi tình tiết trên là giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo.
. Theo thẩm phán Thiện thì không thể xử án tù vì chứng cứ kết tội yếu, bị cáo liên tục kêu oan và có thể sẽ tìm đến cái chết nếu bị kết án sai. Có ý kiến cho rằng nếu xét thấy chứng cứ yếu thì HĐXX có thể hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại, còn khi đã cho là có tội thì phải có mức hình phạt thích đáng theo quy định. Theo ông, khi phải thụ lý một vụ án hình sự phức tạp tương tự thì thẩm phán cần phải làm thế nào để có bản án đúng?
+ Một vấn đề cần quan tâm đó là sự độc lập của thẩm phán trong xét xử, vấn đề này được hiểu rằng trong bất luận trường hợp nào thì khi xét xử thẩm phán cũng phải độc lập, chỉ tuân theo pháp luật và căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên tòa để ban hành phán quyết công minh.
Thực tiễn, có nhiều vụ án khó và phức tạp về đánh giá chứng cứ hoặc áp dụng pháp luật trong xét xử thì thẩm phán có thể yêu cầu chánh án hoặc UBTP tòa án nơi thẩm phán công tác hỗ trợ, phản biện trước khi xét xử. Song thẩm phán vẫn phải áp dụng quy định của hiến pháp và pháp luật là “độc lập khi xét xử” để giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
Quy định trên cũng cần được áp dụng đối với những người có thẩm quyền quản lý thẩm phán... không được áp đặt ý chí chủ quan của cấp trên để buộc thẩm phán phải xét xử theo chỉ đạo cứng nhắc của mình. Điều này vừa trái pháp luật và rất dễ phát sinh oan sai khi kết quả xét xử được định trước không thông qua tranh tụng.
Chưa giám đốc thẩm, đình chỉ là vội vàng
. Đồng thời với việc TAND Cấp cao kháng nghị hủy án để xét xử phúc thẩm lại thì TAND Tối cao cũng chỉ đạo TAND tỉnh BR-VT đình chỉ công tác thẩm phán Thiện. Theo đó, chánh án tòa tỉnh này đã ra quyết định “đình chỉ nhiệm vụ xét xử” của thẩm phán Thiện và không nêu rõ thời hạn. Nhiều ý kiến cho rằng án phúc thẩm đã có hiệu lực, muốn xác định sai, đúng thì phải đợi có án giám đốc thẩm để căn cứ vào đó mà xử lý trách nhiệm theo Quyết định 120/2017 của TAND Tối cao. Ông có đồng ý với quyết định của chánh án TAND BR-VT đình chỉ nhiệm vụ xét xử của thẩm phán chủ tọa?
+ Đối với việc đình chỉ nhiệm vụ xét xử của thẩm phán chủ tọa, tôi nghĩ rằng bản án phúc thẩm mới bị kháng nghị mà chánh án TAND tỉnh BR-VT đã ra quyết định này và buộc các thẩm phán tham gia HĐXX phải giải trình là có phần hơi vội vàng. Bởi lẽ quyết định kháng nghị nêu trên còn phải trải qua một trình tự quan trọng nữa là xét xử giám đốc thẩm bằng một HĐXX theo thẩm quyền luật định. Và trong thực tiễn xét xử thì cũng đã có nhiều quyết định kháng nghị của người có thẩm quyền bị HĐXX tuyên bác, không chấp nhận. Trong trường hợp đó, nếu đình chỉ hoặc xử lý kỷ luật thẩm phán sẽ gây nhiều phức tạp phải giải quyết về công tác tư tưởng và công tác cán bộ.
. Có ý kiến băn khoăn là các cấp tòa án đang xử lý vụ án theo áp lực của dư luận. Chẳng hạn chỉ sau sáu ngày xử phúc thẩm khi có quá nhiều ý kiến phản ứng thì đã kháng nghị. Ông nhận xét gì về điều này?
+ Đối với vụ án có sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân như vụ án này thì người có thẩm quyền kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm phải kiểm tra kịp thời và nếu có căn cứ thì kháng nghị ngay để bảo đảm sự nghiêm minh trong xét xử.
Chúng ta vui mừng khi được đông đảo mọi người quan tâm đến công tác xét xử của tòa án, đó chính là một kênh kiểm soát quyền lực rất hữu hiệu cần được phát huy.
Án truy xét đòi hỏi kỹ năng đánh giá chứng cứ
. Phóng viên: Thẩm phán Thiện khẳng định mình “trong sạch” và đến giờ ngoài những đồn đoán, suy diễn thiếu căn cứ của một số người thì cũng không có gì cho thấy HĐXX có dấu hiệu tiêu cực khi xét xử. Như vậy, mấu chốt ở đây là sự nhận thức, đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật. Đặc thù của tội dâm ô đối với trẻ em là thường không có chứng cứ trực tiếp mà chỉ có lời khai của trẻ. Nếu dễ dàng xếp lại thì có thể sẽ bỏ lọt tội phạm, ngược lại nếu kết tội thì có thể có trường hợp vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội, gây oan sai. Theo ông, phải xử lý thế nào cho đúng đối với án này?
+ Ông Phạm Công Hùng: Án dâm ô là loại án truy xét. Thực tiễn xét xử các vụ án truy xét như trên đòi hỏi các thẩm phán phải hết sức thận trọng, có kỹ thuật thẩm vấn làm rõ bản chất của từng chứng cứ và kỹ năng đánh giá toàn bộ hệ thống chứng cứ của vụ án một cách khoa học, khách quan và đầy đủ thì mới có thể làm rõ được sự thật khách quan của vụ án, không bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không làm oan người vô tội.
Theo Nguyễn Thy (Pháp Luật TPHCM)