Hôm nay, 187 người được triệu tập đến tòa. Ngoài năm bị cáo có 178 người làm chứng, một người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Tại phiên tòa này, 82 người có đơn xin xét xử vắng mặt, 19 trường hợp vắng mặt không lý do, 86 người đến tòa. Ông Trần Đức Quý (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi THPT 2018) là người làm chứng nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt.
Ông Vũ Văn Sử (cựu giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, phó trưởng Ban thường trực ban chỉ đạo, chủ tịch Hội đồng kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018) có mặt tại tòa.
Bà Triệu Thị Chính là bị cáo duy nhất có ba luật sư bào chữa tại phiên tòa này.
Các bị cáo không có ý kiến gì về sự vắng mặt của các nhân chứng, cũng không đề nghị HĐXX triệu tập thêm nhân chứng nào khác.
Luật sư cũng cho rằng các nhân chứng vắng mặt không gây ảnh hưởng lớn đến phiên tòa.
Đại diện VKSND tỉnh Hà Giang giữ quyền công tố tại phiên tòa cho rằng những người làm chứng quan trọng đều đã có mặt, những nhân chứng vắng mặt đã được cơ quan điều tra lấy lời khai rất rõ trong hồ sơ vụ án.
Trên cơ sở ý kiến của VKS, các bị cáo, luật sư, HĐXX đã thảo luận và cho rằng sự vắng mặt của những người làm chứng không gây trở ngại cho việc xét xử.
Chủ tọa Vương Thị Thu Hà tuyên bố tiếp tục phiên tòa với phần công bố cáo trạng của đại diện VKSND tỉnh Hà Giang.
Cũng trong sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết người dân phản ánh nhiều đến việc xử lý vụ gian lận thi cử năm 2018, trong đó đặc biệt là vụ tiêu cực ở Hà Giang.
“Sau khi có kết quả kiểm điểm của Tỉnh ủy, người dân không đồng tình vì cho rằng chúng ta xử lý trách nhiệm không đúng đối tượng” - ông Phúc nói đồng thời đề nghị xử lý đúng đối tượng để người dân tâm phục, khẩu phục. Theo ông, vừa qua chúng ta có hiện tượng né trách nhiệm tương đối rõ.
Theo Đức Minh (Pháp Luật TP.HCM)