Ông Trịnh Văn Quyết, cựu chủ tịch Tập đoàn FLC, cùng hai em gái ruột Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga và 5 người vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đề nghị truy tố về tội "Thao túng chứng khoán" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Cùng vụ án, 13 người bị cáo buộc Thao túng thị trường chứng khoán, 22 người tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 7 người về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ hoặc Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.
Trong 50 bị can, 11 người là em ruột và anh em, cháu trong họ hàng của ông Quyết. Nhiều bị can là vợ chồng, bố con; ba người là lái xe riêng và bạn học của ông Quyết.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, ông Trịnh Văn Quyết cùng nhiều người phủ nhận cáo buộc đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc nâng khống vốn điều lệ cho Faros sau đó bán cổ phiếu, chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng.
Theo kết luận điều tra, tháng 8/2012, ông Quyết khi đang là Chủ tịch FLC, đã đề nghị cấp dưới mua lại một công ty giải trí với giá 1,5 tỷ đồng song không đưa vào hoạt động ngay. Qua nhiều lần đổi tên doanh nghiệp này đổi thành Công ty CP Xây dựng Faros. Hai năm sau đó, chỉ đạo em gái cùng một số người khác lập, ký khống hồ sơ vốn góp để bắt đầu chiến dịch nâng khống vốn điều lệ cho Faros.
Với cương vị là Chủ tịch HĐQT đầu tiên, ông Doãn Văn Phương (Tổng giám đốc FLC, đã bỏ trốn) đã chỉ đạo các thành viên HĐQT, Ban tổng giám đốc để ban hành nghị quyết về tăng vốn điều lệ, lập hồ sơ góp vốn khống, hạch toán kế toán, sử dụng vốn góp khống.
Nhà chức trách cho hay ông Phương đã xuất cảnh sang Vương Quốc Anh và chưa trở lại Việt Nam nên chưa có lời khai.
Một trong những mắt xích quan trọng khác ở Faros là Trịnh Văn Đại (em họ ông Quyết). Ông Đại được bà Trịnh Thị Minh Huế (em gái ruột ông Quyết) nhờ đứng tên làm Chủ tịch HĐQT Faros từ 2014. Song trên thực tế, bà Huế là người quản lý con dấu và điều hành mọi hoạt động.
Trong khi không tổ chức đại hội cổ đông nhưng với "mác" Chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc, ông Đại đã ký khống các nghị quyết, hợp đồng, chứng từ, đứng tên cổ đông. Từ đó, bà Huế lấy làm căn cứ để nâng khống vốn điều lệ.
Trước khi Faros được niêm yết lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, ông Đại đã trả lại hơn 46 triệu cổ phần đang đứng tên hộ cho ông Quyết. Việc này được hợp thức bằng 5 hợp đồng chuyển nhượng song không phát sinh thanh toán.
Hành vi của ông Đại bị cơ quan điều tra đánh giá đã giúp sức cho ông Quyết và động phạm nâng khống vốn điều lệ sau đó niêm yết, bán cổ phiếu để chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng.
Tại cơ quan điều tra, Đại thừa nhận toàn bộ vi phạm nhưng phủ nhận mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông khai không được hưởng lợi từ sai phạm mà chỉ nhận lương 39 triệu đồng/tháng với vai trò Phó phòng Vật tư của FLC Land và 41 triệu đồng/tháng dưới mác Phó tổng giám đốc Faros.
Giống như ông Đại, bị can Đỗ Như Tuấn, Phó tổng giám đốc FLC, cũng được ông Quyết giao kiêm nhiệm Giám đốc Faros. Với cương vị này, Tuấn ký các hợp đồng, chứng từ khống để tạo dòng tiền hợp thức kế toán, che giấu việc góp vốn khống.
Trước khi cổ phiếu của Faros được niêm yết, ông Tuấn đứng tên sở hữu 50.000 cổ nhưng trên thực thế không được sở hữu. Theo C01, Tuấn thừa nhận các sai phạm nhưng nói không có mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không được hưởng lợi ích. Nghi can này chỉ hưởng lương hàng tháng từ 115 đến 120 triệu đồng mỗi tháng.
Ngoài bị can Đại, Tuấn, 20 người khác bị điều tra trong giai đoạn bổ sung cũng đều chỉ thừa nhận sai phạm khi giúp sức nâng khống vốn cho Faros. Họ phủ nhận cáo buộc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ở lần điều tra trước, C01 đánh giá, ông Quyết biết rõ việc nâng khống vốn điều lệ của Faros để niêm yết cổ phiếu sau đó bán cho nhà đầu tư, chiếm đoạt tiền trái pháp luật nhưng vẫn làm. Ban đầu, ông Quyết "thành khẩn khai báo" về việc chỉ đạo em gái thực hiện hành vi thao túng chứng khoán. Tuy nhiên, khi bị khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cựu chủ tịch FLC thay đổi lời khai, "không thừa nhận hành vi phạm tội và đổ lỗi cho em gái".
Tổng hợp
PTH (SHTT)