Vụ đánh nữ nhân viên hàng không: “Là cán bộ sao kém văn minh?"

21/10/2016 10:18:00

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam bày tỏ sự bất bình về hành động của hành khách đang công tác tại Sở GTVT Hà Nội trong vụ xô xát với nữ nhân viên hàng không.

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam bày tỏ sự bất bình về hành động của hành khách đang công tác tại Sở GTVT Hà Nội trong vụ xô xát với nữ nhân viên hàng không.
 
vu danh nu nhan vien hang khong: “la can bo sao kem van minh?

Theo thông tin từ Trung tâm An ninh hàng không Nội Bài, khoảng 14h ngày 18/10, tại sân bay Nội Bài, 2 hành khách Trần Dương Tùng và Đào Vịnh Thuấn là cán bộ Đội thanh tra cầu đường bộ trực thuộc Thanh tra Sở GTVT Hà Nội.

Sau khi làm thủ tục chuyến bay từ Hà Nội đi Thành phố Hồ Chí Minh, hai hành khách này đã có hành vi xúc phạm và hành hung chị Nguyễn Lê Quỳnh Anh, Đội phó Đội dịch Vụ Hàng không tại sân bay Nội Bài. Chị Quỳnh Anh bị choáng và buồn nôn, phải đưa đi kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội. Hiện tại Quỳnh A cho biết, chị vẫn đang nghỉ ở nhà và cảm thấy rất hoang mang, bất ổn.

Bạo lực với phụ nữ chưa bao giờ lắng

Bày tỏ sự bất bình về hành động này, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam thở dài: “Tôi rất tiếc về hành động của cán bộ Sở GTVT đánh phụ nữ nơi công cộng. Tôi rất buồn vì hành vi phản cảm lại xảy ra trong đúng dịp chị em phụ nữ được tôn vinh”.

Theo bà Thúy, bất kể lý do gì, đàn ông đánh phụ nữ là không chấp nhận được. Trong phạm vi gia đình, phụ nữ bị đánh cả xã hội đã lên án mạnh mẽ huống chi đánh phụ nữ ở sân bay, nơi văn minh, đông người qua lại. 

“Anh ta là cán bộ, tức bản thân đã văn minh nhưng hành xử như vậy thật đáng chê trách. Anh ta là cán bộ sao kém văn minh đến vậy?”, bà Thúy chia sẻ. 

Cũng theo nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, sự việc này, dư luận và các cơ quan chức năng không thể thờ ơ. Đàn ông đánh phụ nữ là hèn kém và thể hiện sự bất lực. Hơn nữa, anh ta nỡ ra tay đánh nữ nhân viên này đến mức phải nhập viện thì càng tệ hại. Người đàn ông này coi thường phụ nữ, coi thường pháp luật.

Bà Thúy trăn trở: “Bạo lực với phụ nữ chưa bao giờ lắng xuống. Dù ngày tôn vinh phụ nữ Việt Nam - ngày mà tất cả đàn ông dành sự yêu thương và những lời trìu mến cho những người phụ nữ thì họ lại bị những cái tát, cú đấm”.  

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thúy, những hành vi đánh người cần phải được xử lý nghiêm, tránh sự việc tương tự có thể xảy ra sau này. Ngoài ra, để hạn chế tình trạng bạo hành phụ nữ phải tuyên truyền để mọi người hiểu và tôn trọng lẫn nhau, không gây tổn thương cho nhau.

Phải vạch trần đối tượng có hành vi bạo lực

Bà Ngô Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ nói: “Không ai được quyền đánh người. Đánh người là vi phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể đã được quy định trong Hiến pháp. 

Là người bảo vệ quyền của phụ nữ, bà Hà bày tỏ: “Với tôi, cán bộ Sở GTVT Hà Nội đánh người, tôi không coi họ là người có tri thức”. 

Từ hành động đánh phụ nữ ở sân bay Nội Bài, bà Hà cho biết, phụ nữ đang bị bạo hành trong xã hội. Trong gia đình, có tới gần 60% phụ nữ đã kết hôn bị bạo hành. Ở xã hội, trẻ em gái bị bạo hành, phụ nữ bị bạo hành..., người già bị bạo hành… 

Để xảy ra hàng loạt vụ phụ nữ bị bạo hành, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ cho rằng, bất bình đẳng giới, định kiến trong xã hội đã ăn sâu vào tiềm thức của từng người và luật pháp không nghiêm nên họ không thể nhận ra hoặc nhận ra nhưng không tố cáo mà chịu đựng. Do đó, trong trường hợp này, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ đề nghị xử lý nghiêm. Nếu là người của cơ quan đoàn thể nào đó thì càng phải xử lý rốt ráo. Ngoài ra, bản thân phụ nữ cũng nên tố cáo, vạch trần đối tượng có hành vi bạo lực.

Bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) cho biết, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đang là vấn đề nóng trên toàn cầu. Theo nghiên cứu của UN Women, cứ 3 phụ nữ trên thế giới, có 1 người sẽ trở thành đối tượng của bạo lực giới.

Theo số liệu khảo sát của UN Women tại TPHCM và Hà Nội, 87% phụ nữ cho biết họ đã từng bị xâm hại tại nơi công cộng.

“Chúng ta phải ngăn chặn bạo lực tại gia đình, tại trường học, nơi công cộng và nơi làm việc trước khi nó xảy ra. Cần thay đổi những định kiến về giới, để mỗi cá nhân trong cộng đồng, đặc biệt là nam giới và trẻ em trai trở thành những tác nhân thay đổi”, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam nói. 

Chia sẻ quan điểm về hành động đánh phụ nữ, TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Trưởng bộ môn Tâm lý học Ứng dụng, trường ĐH Sư phạm TP.HCM nói: "Phụ nữ là phái yếu, không có khả năng phản kháng cân xứng với sức mạnh cơ bắp của đàn ông, thế nên, đã được gọi là "phái mạnh" thì phải biết sử dụng sức mạnh của mình để bảo vệ cho người khác. Còn sử dụng cơ bắp để bắt nạt, hành hung phụ nữ chân yếu tay mềm, thì người đó tốt nhất nên tự xấu hổ với sức mạnh mà tạo hoá đã ưu ái cho mình".

“Đừng bao giờ đánh phụ nữ, tuyệt đối không! Dù họ có dùng lời lẽ nặng nề hay hành động như thế nào. Im lặng và rời đi là tất cả những gì phái mạnh hãy làm lúc đấy. Phụ nữ mà, hãy chỉ để yêu thôi”, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất nói. 

 
Theo Diệu Thu (Dân Việt)

Nổi bật