Vụ cướp giật bánh mì: "Em sợ kháng cáo thì có bị bắt giam trở lại?"

27/07/2016 14:52:00

Đó là nỗi lo sợ rất thật của em Ôn Thành Tân - một bị cáo trong vụ án cướp giật bánh mì được dư luận quan tâm. 

Đó là nỗi lo sợ rất thật của em Ôn Thành Tân - một bị cáo trong vụ án cướp giật bánh mì được dư luận quan tâm. 
 
Ngày 26-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Tân cho biết: “Em rất vui trước thông tin chánh án TAND Tối cao chỉ đạo xem xét lại vụ án nhưng em vẫn đang suy nghĩ không biết là có nên kháng cáo hay không. Cuộc sống của em đã dần ổn định, em đã xin được việc làm. Em sợ kháng cáo thì không biết có bị giam lại hay không”.
 
Ôn Thành Tân đang trao đổi với PV.

Theo Luật sư Đặng Trường Thanh (Đoàn LS TP.HCM), theo quy định BLTTHS hiện hành, do vụ án vẫn chưa kết thúc nên cơ quan tố tụng đang thụ lý, giải quyết vụ án là TAND TP.HCM vẫn có quyền ra lệnh bắt tạm giam bị cáo tại ngoại khi xét thấy cần thiết để phục vụ cho việc xét xử phúc thẩm. Chẳng hạn khi bị cáo có dấu hiệu bỏ trốn hoặc gây trở ngại cho hoạt động xét xử (như khi tòa triệu tập đến phiên xử mà vắng mặt không có lý do...)

Tuy nhiên, với trường hợp cụ thể của bị cáo Tân, trước đây tòa cấp sơ thẩm đã thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho bị cáo được tại ngoại vì xét thấy với tính chất vụ việc, mức độ hành vi phạm tội mà tạm giam Tân đến 8 tháng 20 ngày là quá dài. Quan điểm này cũng được lãnh đạo TAND TP.HCM đồng tình khi trao đổi với báo chí.
 
Như vậy, nếu bị cáo Tân không có dấu hiệu bỏ trốn hoặc có động thái gây cản trở cho hoạt động xét xử phúc thẩm thì sẽ không thể có việc bị bắt tạm giam trở lại dù có kháng cáo hay không.
 
Đồng tình, LS Chu Văn Hưng (Đoàn LS TP.HCM) cũng cho rằng khả năng này không xảy ra. Vì thứ nhất, Chánh án TAND tối cao đang chỉ đạo xem xét lại vì cho rằng mức án quá nghiêm khắc, dư luận đang không đồng tình.
 
Thứ hai, không có kháng nghị tăng hình phạt, cũng không có kháng cáo của bị hại tăng hình phạt mà chỉ có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của mẹ và luật sư của bị cáo Nguyễn Hoàng Tuấn. Trong khi án sơ thẩm tuyên mức án bằng thời gian tạm giam, do vậy toà phúc thẩm chỉ xử bằng hoặc thấp hơn án sơ thẩm chứ không thể cao hơn án sơ thẩm. Do vậy toà sẽ không bắt tạm giam. 
 
Thứ ba, thông thường toà cấp phúc thẩm sẽ không bắt tạm giam trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, trừ trường hợp cố tình vắng mặt. Do vậy nếu trốn tránh gây khó khăn cho việc xét xử mới có thể bị bắt tạm giam lại.
 
Theo Lệ Trinh (Pháp Luật TPHCM)

Nổi bật