Đến trước một tiệm tạp hóa (thuộc địa bàn quận Thủ Đức), Tuấn ngồi sau xe kêu chủ tiệm tạp hóa bán 2 bọc chuối sấy; 1 ổ bánh mì ngọt; 1 bịch đậu phộng rang muối và 3 bịch me trộn đường. Tổng trị giá các món hàng là 45 ngàn đồng.
Khi chủ tiệm mang hàng ra xe thì Tuấn dùng tay trái giật lấy túi thức ăn, Tân tăng ga xe máy bỏ chạy. Chủ tiệm tạp hóa tri hô, người dân vây bắt được cả hai rồi chuyển cho Công an phường xử lý.
Đến thời điểm này cả hai bị cáo trong vụ án này đã kháng cáo |
Với hành vi của mình, ngày 20/7 vừa qua, TAND quận Thủ Đức đã mở phiên tòa sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Tuấn 10 tháng tù, bị cáo Tân 8 tháng 20 ngày tù (bằng thời gian tạm giam).
Ngày 26/7, luật sư của bị cáo Nguyễn Hoàng Tuấn đã đến TAND quận Thủ Đức (TPHCM) nộp đơn kháng cáo. Ngày 27/7, mẹ bị cáo Tuấn cũng đến tòa nộp đơn kháng cáo.
Sau thời gian suy nghĩ, ngày 29/7, bị cáo Ôn Thành Tân cũng đã quyết định kháng cáo xin miễn trách nhiệm hình sự. Theo bị cáo, bản án sơ thẩm quá nặng so với hành vi của mình.
Trong đơn kháng cáo, luật sư yêu cầu cấp phúc thẩm TAND TPHCM theo trình tự xem xét lại hình phạt cho bị cáo này. Bởi mức án mà TAND quận Thủ Đức vừa tuyên là quá nặng, chưa phù hợp.
Trao đổi với Dân trí, luật sư Đỗ Hải Bình (bào chữa cho bị cáo Tuấn), cho biết: “Theo tôi, khả năng miễn trách nhiệm hình sự cho cả hai bị cáo là hoàn toàn có thể. Vì chánh án TAND Tối cao đã chỉ đạo như thế rồi! Mặc dù hai bị cáo đã bị tạm giam gần chín tháng, nếu được miễn trách nhiệm hình sự thì vấn đề này sẽ tính sau. Trước mắt là giải quyết được lo lắng về án tích cũng như tiền án cho hai em”.
Luật sư Bình cho biết thêm, việc kháng cáo của Tuấn, tuy không yêu cầu trực tiếp là xin được miễn trách nhiệm hình sự nhưng với yêu cầu xin xem xét lại hình phạt thì coi như đã bao gồm cả yêu cầu xin được miễn trách nhiệm hình sự.
Còn theo luật sư Trần Ngọc Phụng (bào chữa cho bị cáo Tân), ông mong muốn HĐXX cấp phúc thẩm sẽ xem xét toàn diện và miễn trách nhiệm cho bị cáo. Bởi khi phạm tội bị cáo chưa đủ tuổi thành niên, xử lý việc này nhằm mang tính giáo dục, răn đe, giúp bị cáo nhận ra lỗi lầm của mình trở thành người có ích cho xã hội.
Theo Xuân Duy (Dân Trí)