Chỉ sau 5 giờ phá án, Công an TP Đà Nẵng đã bắt được Xiao Qui Ping (27 tuổi, quê Côn Minh, Trung Quốc), nghi phạm sát hại nữ du khách Bao Dan Ping (30 tuổi, quê ở Côn Minh, Trung Quốc), rồi chặt thành nhiều khúc, bỏ vào vali và túi nylon, rồi phi tang xuống sông Hàn, được phát hiện ngày 7/2.
Liên quan đến vụ án này, dư luận đang băn khoăn trường hợp này có áp dụng Luật dẫn độ hay không? Về vấn đề này, trao đổi với PV, Luật sư Mai Quốc Việt - Công ty Luật FDVN, Đoàn luật sư TP Đà Nẵng, cho biết theo quy định pháp luật hiện hành trong trường hợp người nước ngoài vi phạm pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam thì trừ những người có thân phận ngoại giao được miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự, còn lại chính sách xử lý hành vi vi phạm về cơ bản không có sự phân biệt giữa người nước ngoài và người Việt Nam.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, người nước ngoài vi phạm pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam thì trừ những người có thân phận ngoại giao được miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự, còn lại chính sách xử lý hành vi vi phạm về cơ bản không có sự phân biệt giữa người nước ngoài và người Việt Nam.
"Trong sự việc trên, nếu có cơ sở để xác định đối tượng người Trung Quốc thực hiện hành vi giết người, rồi phi tang như báo chí vừa nêu thì đã vi phạm pháp luật của Việt Nam. Do vậy, sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật Việt Nam, ở đây Công an Đà Nẵng sẽ điều tra, giải quyết theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Tuy nhiên, khi xử lý do nạn nhân và người phạm tội cũng có Quốc tịch Trung Quốc, do vậy việc xác định được nhân thân của nạn nhân, của người phạm tội cũng gặp nhiều khó khăn; quá trình điều tra, thẩm vấn, tranh tụng tại phiên tòa,…, đòi hỏi phải có người phiên dịch.
Do đó, cơ quan chức năng thông thường sẽ gửi thông báo, yêu cầu Đại sứ quán Trung Quốc hỗ trợ, giúp đỡ trong việc xác minh thông tin, giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 1 Hiệp định tương trợ tư pháp về vấn đề dân sự và hình sự giữa Việt Nam - Trung Hoa ký năm 1998", Luật sư Mai Quốc Việt, chia sẻ.
Cũng theo Luật sư, ngoài ra, cơ quan tiến hành tố tụng cũng có thể trục xuất người phạm tội ra khỏi Việt Nam và dựa vào các hiệp định hợp tác, dẫn độ tội phạm, hoặc hiệp định tương trợ tư pháp, để giải quyết theo đúng luật pháp, công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 33, Luật Tương trợ tư pháp 2007 có quy định, người có thể bị dẫn độ theo quy định của Luật này là người có hành vi phạm tội mà Bộ luật hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự của nước yêu cầu quy định hình phạt tù có thời hạn từ một năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình hoặc đã bị Tòa án của nước yêu cầu xử phạt tù mà thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại ít nhất sáu tháng.
"Như vậy, có thể nhận thấy, bước đầu tiên thẩm quyền giải quyết vụ án đang thuộc Công an TP Đà Nẵng giải quyết...", Luật sư Việt, nói.
Cũng theo vị Luật sư này phân tích, hành vi giết người rồi phân xác phi tang trong trường hợp này là hết sức man rợ. Nếu xét xử theo luật pháp Việt Nam thì đối tượng thực hiện hành vi này có dấu hiệu phạm tội với tội danh "Giết người" theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015. Với tình tiết "thực hiện tội phạm một cách man rợ" thì đối tượng phạm tội có khả năng bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, Đại tá Trần Mưu - Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cũng khẳng định, việc truy tố và xét xử nghi phạm Bao Dan Ping sẽ được thực hiện tại Việt Nam, cụ thể là tại địa bàn gây án là TP Đà Nẵng.
"Không có việc trục xuất nghi phạm này về nước. Đối tượng này thực hiện hành vi phạm tội tại Đà Nẵng thì các cơ quan tố tụng của địa phương sẽ xử lý theo pháp luật nước ta. Năm 2015, trên địa bàn Đà Nẵng cũng xảy ra vụ một người Trung Quốc dùng súng bắn chết đồng hương. Sau đó, hung thủ bị truy tố và xét xử với mức án chung thân tại TP Đà Nẵng", Đại tá Trần Mưu, khẳng định và cho biết sẽ sớm kết thúc điều tra để chuyển hồ sơ vụ án sang các cơ quan tố tụng xử lý.
Theo Hà Nam (Trí Thức Trẻ)