Sau phần công bố cáo trạng truy tố của đại diện Viện kiểm sát (VKS), Hội đồng xét xử (HĐXX) tiến hành thẩm vấn các bị cáo. HĐXX yêu cầu cách ly Trần Minh Tuấn (bị cáo chuyến bay giải cứu giai đoạn 1), người liên quan đến hành vi che giấu tội phạm của bị cáo Nguyễn Xuân Thông.
Bị cáo Trần Tùng là người đầu tiên trả lời xét hỏi của Tòa. Cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên thừa nhận những nội dung bị truy tố là đúng, nhưng theo bị cáo này khi thực hiện hành vi phạm tội ông ta không nhận thức hết.
Bị cáo Tùng trình bày, bị cáo là Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên, được giám đốc Sở giao nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan chức năng đi kiểm tra cơ sở vật chất có đủ điều kiện cách ly không. Bị cáo Tùng quen biết ông Vũ Hồng Nam - nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản (bị cáo giai đoạn 1) thông qua công việc và do ông Nam giới thiệu nên quen biết Lê Văn Nghĩa ( Giám đốc Công ty Nhật Minh, bị cáo giai đoạn 1).
Trước khi thực hiện chuyến bay, bị cáo Tùng có gặp Lê Văn Nghĩa trao đổi thống nhất thủ tục, giá cả. Giá trọn gói cách ly là từ 17-18 triệu đồng/người, giá thực tế ký hợp đồng chỉ là 10-12 triệu đồng.
Thỏa thuận xong thì bị cáo Trần Thị Quyên (giám đốc Công ty Sen vàng Đất Việt thực hiện cách ly) mới đến. Bị cáo Quyên có gặp ông Nghĩa, có biết chuyện tiền ngoài hợp đồng và được Tùng giao nhận đủ 18 triệu đồng/khách để tổ chức cách ly.
Sau khi có chuyến bay, ông Lê Văn Nghĩa đã thanh toán cho Quyên hơn 11 tỷ đồng, trong đó số tiền ngoài hợp đồng là hơn 4 tỷ đồng. Số tiền ngoài hợp đồng, theo chỉ đạo của Tùng, Quyên sử dụng một phần để trả chi phí cách ly và chuyển cho Tùng 2,4 tỷ đồng. Sau khi CQĐT khởi tố vụ án giai đoạn 1, bị cáo Quyên nộp thuế để hợp thức tiền ngoài hợp đồng.
Theo cáo buộc, trong việc Lê Văn Nghĩa thực hiện chuyến bay, bị cáo Trần Tùng nhận hối lộ 3 lần, tổng số 4,4 tỷ đồng. Ngoài ra, bị cáo Tùng còn lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Thái Nguyên trong việc thực hiện 7 chuyến bay hưởng lợi số tiền 3,2 tỷ đồng.
Về việc này, bị cáo khai chưa từng gặp bà Bùi Thị Kim Phụng (đại diện Công ty Fujitravell, Nhật Bản). Bị cáo Tùng là người đề xuất với ông Vũ Hồng Nam để bà Phụng tổ chức chuyến bay thay ông Lê Văn Nghĩa.
Tuy nhiên, việc bà Phụng mượn tư cách pháp nhân Công ty Én Việt thì ông Tùng khai không biết nhưng cũng thỏa thuận trọn gói 18 triệu đồng/người. Sau khi chi phí, bà Phụng đưa cho ông Tùng 3,2 tỷ đồng.
"Bị cáo thấy tổ chức thế có lãi nên làm?" - chủ tọa chất vấn bị cáo Tùng. “Tổ chức cho công dân ở nước ngoài về cách ly ở Thái Nguyên, bị cáo thấy đây là cơ hội để kiếm thêm vì có thu nhập có lãi”- cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên Trần Tùng khai.
Bị cáo Trần Tùng cũng thừa nhận rằng, trước khi thực hiện các công việc tổ chức cho công dân ở nước ngoài về Thái Nguyên cách ly, bị cáo có đi khảo giá các đơn vị khác, trên cơ sở đó tính toán để đưa ra con số, sao cho có thể kiếm lời.
Cuối cùng, bị cáo Trần Tùng thừa nhận “bị cáo rất sai, bị cáo xin nhận tội” và trình bày rằng đã nộp khắc phục hậu quả vụ án là 5,7 tỷ đồng trong đó 700 triệu đồng được nộp trong giai đoạn điều tra và 5 tỷ đồng mới nộp trước khi phiên tòa diễn ra.
Bị cáo Trần Thị Quyên bị cáo buộc giúp sức cho bị cáo Trần Tùng nhận hối lộ 3 lần tổng số 4,4 tỷ đồng của ông Lê Văn Nghĩa. Bà Quyên được hưởng lợi số tiền 300 triệu đồng và đã khắc phục được 210 triệu đồng. Trước tòa, bị cáo này xin khắc phục, nộp nốt số tiền chiếm hưởng bất chính còn lại.
Tại phiên tòa, bị cáo thừa nhận có nhận tiền theo chỉ đạo của cựu phó giám đốc sở nhưng bị cáo không thỏa thuận chuyện tiền nong. Sau khi nhận tiền từ ông Lê Văn Nghĩa, Quyên chi phí cách ly, số còn lại thì chuyển cho Tùng và được “cắt lại” 300 triệu đồng. Bị cáo Quyên khai số tiền trên, do bị cáo Tùng trả. Còn một khoản 300 triệu đồng định chi cho các anh em cách ly nhưng chưa chi và Quyên đã nộp lại.
Ngay trong nửa ngày xét xử đầu tiên, trả lời nội dung cáo trạng truy tố và các câu hỏi của HĐXX, tất cả các bị cáo còn lại đều thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội của bản thân.
Theo Bùi Vinh (An Ninh Thủ Đô)