Cơ quan tố tụng vin vào lý do quán cà phê chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm… để khởi tố, truy tố chủ quán liệu có thỏa đáng?
Kiểm tra, khởi tố trong vòng tháng rưỡi
Theo cáo trạng của VKSND huyện Bình Chánh, ngày 13-8-2015, Công an huyện Bình Chánh phối hợp các ngành chức năng kiểm tra quán cà phê “Xin chào” ở C12/26 khu phố 3, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh do ông Tấn làm chủ.
Ngày 18-8, ông bị xử phạt 17 triệu đồng đối với các vi phạm: Hoạt động kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; không khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên thuộc diện phải khám; khu vực chế biến, bảo quản không đảm bảo vệ sinh; không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP); không lưu giữ đầy đủ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu về quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Đến ngày 10-9-2015, công an huyện và các ngành chức năng lại đến kiểm tra. Người quản lý đưa ra giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do UBND huyện cấp cho ông Tấn làm chủ hộ kinh doanh với ngành nghề “Bán ăn uống, cà phê, nước giải khát. Chỉ hoạt động kinh doanh sau khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao…”.
Bấy giờ công an lập biên bản vi phạm hành chính với các hành vi như khu vực chế biến thực phẩm có côn trùng, sử dụng nước giếng khoan để sơ chế thực phẩm.
Cáo trạng xác định: Ông Tấn đang hoạt động kinh doanh khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP, còn vi phạm về kinh doanh sai địa điểm, sử dụng khu vực chế biến thực phẩm có côn trùng gây hại, thải nước thải chưa qua xử lý vào môi trường.
|
Ông Nguyễn Văn Tấn và quán cà phê “Xin chào” . Ảnh: PHƯƠNG LOAN |
Cấp tập kiểm tra và xử hình sự
Ông Tấn cho biết ngày 13-8, năm ngày sau khi ông khai trương quán thì công an huyện đến kiểm tra và lập biên bản về việc kinh doanh không có giấy phép đăng ký kinh doanh. Ngày 14-8, ông cung cấp cho công an huyện biên lai hẹn ngày 19-8 sẽ có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và các loại giấy tờ có liên quan đến nguồn gốc thực phẩm.
Ngày 17-8, công an mời ông đến làm việc và lập thêm một biên bản vi phạm hành chính về ATTP và ngày hôm sau thì ra quyết định xử phạt hành chính với năm lỗi vi phạm.
“Tôi đã đóng phạt 17 triệu đồng. Tôi ngưng bán điểm tâm, chỉ bán nước giải khát, khách muốn ăn sáng thì gọi quán khác mang đến. Ngày 4-9-2015, tôi đăng ký giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP và được hẹn trả kết quả ngày 29-9. Đến ngày 10-9, công an lại kiểm tra quán, lập biên bản vi phạm hành chính với các hành vi như khu vực chế biến thực phẩm có côn trùng, sử dụng nước giếng khoan để sơ chế thực phẩm dù quán tôi đã tạm ngưng kinh doanh hàng ăn” - ông Tấn kể.
Ngoài ra, công an huyện còn gửi công văn xác minh ông Tấn có kinh doanh sai ngành nghề hay không, có bắt buộc phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP hay không. Ngày 2-10-2015, UBND huyện trả lời rằng ông Tấn kinh doanh ăn uống là kinh doanh đúng ngành nghề đã đăng ký. Đối với phần ghi chú trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chỉ nhằm mục đích thông tin cho hộ kinh doanh biết để thực hiện đăng ký cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP theo quy định, nếu không thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về ATTP theo quy định.
“Tôi không hiểu sao khi công an liên tục kiểm tra quán của tôi rồi sau đó khởi tố tôi trong vòng một tháng rưỡi” - ông Tấn nói.
VKSND TP.HCM yêu cầu báo cáo
PV đã liên hệ với VKSND huyện Bình Chánh để tìm hiểu vụ việc. Một lãnh đạo viện này cho biết vụ án này trước đây do Phó Viện trưởng Lê Thanh Tòng phụ trách, còn ông mới về, mới nắm hồ sơ nên chưa thể trả lời báo.
Chúng tôi liên hệ với ông Tòng thì ông Tòng nói đã chuyển về VKSND quận 6. “Trước đây, VKSND huyện Bình Chánh cũng đã rất cân nhắc vì đây là vụ nhỏ lẻ. VKS đã nghiên cứu hồ sơ một tháng mới quyết định phê chuẩn khởi tố bị can. Ông Tấn đã bị xử phạt hành chính một lần về việc kinh doanh không giấy phép mà còn vi phạm nữa nên đã cấu thành tội” - ông Tòng nói.
“Nhưng ông Tấn bị lập biên bản lần hai về hành vi khác với hành vi kinh doanh không phép, thưa ông?” - PV hỏi. Ông Tòng trả lời: “Đó chính là giấy phép riêng để đảm bảo kinh doanh đúng quy định. Hồ sơ không thể hiện ông Tấn đã ngưng các việc bán thức ăn…”.
Phải hết sức cẩn trọng Theo Điều 159 BLHS, cấu thành cơ bản của tội kinh doanh trái phép là phải kinh doanh mà không đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng nội dung đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này… mà còn vi phạm. Muốn quy kết ông Tấn tội kinh doanh trái phép thì phải chứng minh được ông có một trong ba hành vi nêu trên, đã bị xử phạt hành chính… mà còn vi phạm. Theo nội dung câu chuyện, ông Tấn kinh doanh khi chưa có giấy phép kinh doanh nên bị xử phạt hành chính về hành vi này và bốn hành vi khác. Đến ngày 19-8-2015 thì ông Tấn kinh doanh đúng ngành nghề đã đăng ký là bán thức ăn, cà phê, nước giải khát… Biên bản lần hai xác định hai lỗi mới là “sử dụng khu vực chế biến có côn trùng độc hại” và “sử dụng nước không đạt quy chuẩn kỹ thuật để chế biến thực phẩm”. Ở lần kiểm tra đầu, hai biên bản vi phạm hành chính (một biên bản về hoạt động thương mại với một hành vi kinh doanh không phép và một biên bản về ATTP với bốn hành vi khác) được lập không cùng thời điểm. Sau đó, công an huyện căn cứ vào hai biên bản này để ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Như vậy, có thể thấy rằng việc làm này chưa phù hợp với trình tự, thủ tục lập biên bản và xử lý vi phạm hành chính. Ngoài ra, đến lúc này vẫn còn thời hiệu để ông Tấn khởi kiện quyết định xử phạt hành chính. Do vậy, việc xác định ông đã bị xử lý vi phạm hành chính… mà còn vi phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự ông tội kinh doanh trái phép là không ổn. Giả sử, quá trình ông Tấn khởi kiện, tòa xác định quyết định xử lý vi phạm hành chính là không hợp pháp và tuyên hủy quyết định này thì có phải cơ quan tố tụng đã làm oan ông Tấn không! Tôi nghĩ các cơ quan tố tụng huyện Bình Chánh phải hết sức cẩn trọng, kẻo làm oan người vô tội. Ông PHẠM CÔNG HÙNG, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao |