Sáng 21/12, TAND TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Văn Tùng (nguyên Giám đốc Công ty TNHH xây dựng thương mại dịch vụ sản xuất Hùng Thanh, chủ đầu tư chung cư Carina) và Nguyễn Quốc Tuấn (nguyên Trưởng ban quản lý chung cư Carina) về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”.
Được xét hỏi đầu tiên, bị cáo Nguyễn Văn Tùng cho rằng, cáo trạng truy tố chưa toàn diện. “Bị cáo phạm tội sơ ý, chưa kiểm tra kỹ, chưa thường xuyên nên dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như vậy”, bị cáo Tùng trình bày.
Liên quan tới vụ án, bị cáo Tùng xin giữ nguyên lời khai trong phiên xét xử ngày 5/4. Theo lời khai ngày 5/4, việc quy kết bị cáo biết hệ thống PCCC hỏng mà không sửa, không đôn đốc Công ty CP Dịch vụ địa ốc Sài Gòn (Công ty Sejco) thực hiện đúng hợp đồng là không chính xác. Ngoài ra, bị cáo Tùng cho rằng không tham gia vào việc bàn giao hệ thống PCCC.
“Bị cáo chỉ kế thừa người đi trước vì về làm Giám đốc Công ty Hùng Thanh vào năm 2017, nhưng hệ thống phòng cháy chữa cháy đã được bàn giao từ năm 2016”, bị cáo Tùng trình bày.
Bị cáo Tùng khai có kiểm tra hệ thống phòng cháy chữa cháy của chung cư nhưng do không có chuyên môn nên không biết nó hoạt động như thế nào.
Ngoài ra, người này còn khai khi đi kiểm tra chỉ phát hiện thấy việc các cửa thoát hiểm đều mở, người dân phơi đồ, để đồ khắp các cửa thoát hiểm, nhân viên bảo vệ không tuần tra đúng quy định, tụ tập, chơi game nên đã có văn bản gửi Công ty Sejco để chấn chỉnh.
Công ty Sejco được xác định là đơn vị chịu trách nhiệm vận hành, bảo đảm hoạt động thông suốt của các hệ thống dịch vụ chung cư Carina (bao gồm cả PCCC).
Trả lời câu hỏi, việc không đóng cửa thoát hiểm khiến khí độc, khí nóng thoát lên trên gây ra thiệt hại về người là trách nhiệm thuộc về ai?, bị cáo Tùng cho rằng thuộc về bảo vệ và Ban quản lý của chung cư.
Thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã truy tố, bị cáo Nguyễn Quốc Tuấn xin giữ nguyên lời khai trong phiên sơ thẩm hôm 5/4.
Theo lời khai, khi bị cáo kiểm tra thấy máy bơm của hệ thống PCCC được chủ đầu tư tháo cho một tòa nhà khác mượn; đồng thời cũng phát hiện ra hệ thống báo cháy trung tâm không hoạt động, việc này đã báo cáo cho ông Nguyễn Văn Tùng.
Bị cáo Tuấn khai, mới về nhận nhiệm vụ Trưởng Ban quản lý được 20 ngày thì xảy ra hỏa hoạn.
Theo truy tố, khoảng 1h15 ngày 23/3/2018, sự cố dây dẫn điện của một xe máy trong hầm xe lô A của chung cư gây cháy xe, sau đó ngọn lửa bùng cháy dữ dội. Gần 10 phút sau, hệ thống chiếu sáng khu vực tầng hầm bị tắt, khói, khí nóng, khí độc theo lối buồng thang thoát hiểm dẫn lên các tầng nổi phía trên chung cư. Việc không đóng cửa cầu thang bộ cũng là một nguyên nhân dẫn đến thiệt hại nặng nề về người.
Vụ hỏa hoạn đã khiến 13 người chết, 60 người bị thương và gần 500 xe máy, 81 ô tô bị cháy. Tổng thiệt hại về tài sản 104 tỷ đồng. Trước đó, thiệt hại về tài sản được xác định là 126 tỷ đồng.
CQĐT xác định, bị cáo Tùng đã được Ban quản lý chung cư báo về tình trạng hệ thống báo cháy không hoạt động, hệ thống chữa cháy tự động không kiểm tra, vận hành được.
Tháng 7/2017, bị cáo Tùng đã ký hợp đồng bảo dưỡng thiết bị phòng cháy chữa cháy và đến cuối tháng 1/2018 ký biên bản nghiệm thu. Trong biên bản nghiệm thu có ghi nhận rõ về tình trạng không hoạt động của các hệ thống phòng cháy chữa cháy nhưng ông Tùng không triển khai sửa chữa, thay thế. Điều này dẫn tới hệ thống báo cháy, chữa cháy không hoạt động khi phát sinh vụ cháy.
Đối với bị cáo Tuấn, dù biết rõ tình trạng hệ thống phòng cháy chữa cháy đã hư hỏng, không thể hoạt động khi có cháy xảy ra, nhưng với tư cách là Trưởng ban quản lý, đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc tiếp nhận bàn giao từ Trưởng ban quản lý cũ; không kiên quyết yêu cầu Công ty Hùng Thanh phải thay thế, sửa chữa, dẫn đến vụ hỏa hoạn.
Theo Thanh Phương (VietNamNet)