Vụ bé trai nghi bị mẹ ruột mắc bệnh tâm thần đâm thủng ruột ở Sài Gòn: Người mẹ có phải chịu trách nhiệm hình sự?

20/07/2018 14:51:42

Theo gia đình, trước thời điểm dùng dao đâm thủng ruột con trai 11 tháng tuổi chị P. đã mắc bệnh tâm thần từ nhiều năm nay, chỉ điều trị ngoại trú. Hiện người mẹ ruột được đưa đến trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần nhưng hành vi có phải chịu trách nhiệm hình sự?

Ngày 20/7, bệnh viện Nhi Đồng 2 TP. HCM vẫn đang điều trị cho bé H.P.T (11 tháng tuổi) nghi bị chính mẹ ruột là chị H.M.P (31 tuổi, TP. HCM) dùng dao đâm thủng ruột. Mặc dù bé T. đã qua nguy kịch nhưng các bác sĩ vẫn đang tích cực theo dõi thêm diễn biến tình hình sức khoẻ của bé.

Trước đó, chiều ngày 15/7, chị P. (mẹ bé T) về căn nhà ở quận 12 (TP.HCM) thăm 2 con. Trong lúc bà H (bà ngoại bé T.) đang quét sân thì nghe anh trai của bé T. chạy ra nói mẹ ẵm em vô nhà tắm.

Lúc này thấy lạ nên bà H. liền chạy vào nhà thì nghe tiếng khóc thét lớn của bé T. nên đập cửa nhà tắm để gọi con gái mở cửa. Sau khi con gái mở cửa chạy ra ngoài thì bà H. chứng kiến cảnh đau lòng cháu ngoại nằm thoi thói, bụng bị thủng khiến ruột đổ ra ngoài.

Vụ bé trai nghi bị mẹ ruột mắc bệnh tâm thần đâm thủng ruột ở Sài Gòn: Người mẹ có phải chịu trách nhiệm hình sự?
Bé trai nghi bị mẹ dùng dao đâm thủng ruột được điều trị trong bệnh viện.

Sau đó bà H. kêu cứu rồi cùng hàng xóm hỗ trợ đứa cháu ngoại đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Rất may được đưa đi cấp cứu kịp thời và sự tận tình, nỗ lực cữu chữa của các bác sĩ, bé trai đã qua cơn nguy kịch.

Sự việc bé trai nghi bị người mẹ dùng dao đâm thủng ruột thật sự là tấn bi kịch của gia đình bà H. Không có nỗi đau nào hơn khi chính mẹ ruột được cho đã dùng dao đâm thủng bụng con trai, khiến đứa bé mới 11 tháng tuổi suýt không giữ được mạng sống.

Vụ bé trai nghi bị mẹ ruột mắc bệnh tâm thần đâm thủng ruột ở Sài Gòn: Người mẹ có phải chịu trách nhiệm hình sự? - 1
Quá trình cứu chữa bé trai với phần ruột lòi ra ngoài của các bác sĩ.

Theo gia đình, trước thời điểm nghi dùng dao đâm thủng ruột con trai 11 tháng tuổi chị P. đã mắc bệnh tâm thần từ nhiều năm nay, chỉ điều trị ngoại trú.

Mặc dù hiện tại người mẹ ruột được đưa đến trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần nhưng hành vi có phải chịu trách nhiệm hình sự?

Để hiểu rõ với về vấn đề này, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng phòng luật sư Gia Đình – Đoàn LS TP. HCM) nêu quan điểm cho rằng nếu người mẹ ruột bị bệnh tâm thần trong trong thời gian gây ra sự việc thì có thể không chịu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Hùng phân tích, theo Điều 13 bộ luật hình sư năm 1999 có quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự như sau:

1. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

2. Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều này trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Vụ bé trai nghi bị mẹ ruột mắc bệnh tâm thần đâm thủng ruột ở Sài Gòn: Người mẹ có phải chịu trách nhiệm hình sự? - 2
Luật sư Trần Minh Hùng đưa quan điểm về vụ việc bé trai bị mẹ nghi bị tâm thần đâm thủng ruột.

Cũng theo luật sư Hùng, vấn đề mất năng lực trách nhiệm hình sự thì phải bao gồm cả hai dấu hiệu y học và tâm lý. Chính vì vậy, nếu đã có bản án tuyên người mẹ bị bệnh tâm thần thì vụ án có không khởi tố.

Ngược lại nếu chưa có bản án quyết định tuyên người mẹ bị tâm thần thì cơ quan công an có thể khởi tố vụ án sau đó đưa đi giám định hoặc không khởi tố mà đưa đi giám định trước. Còn trường hợp nếu sau khi giám định có dấu hiệu tâm thần thì sẽ đình chỉ vụ án.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi thêm với chúng tôi đại diện lãnh đạo Công an quận 12 cho biết vẫn chưa tiếp nhận vụ việc.

Theo Tứ Quý (Thời Đại)