Trước đó, Viện kiểm sát đã truy tố Nguyễn Võ Quỳnh Trang về tội "Giết người" và "Hành hạ người khác", còn Nguyễn Kim Trung Thái bị đề nghị truy tố về tội "Hành hạ người khác" và "Che giấu tội phạm".
Ngày 5-5 vừa qua, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội luật sư (Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) đã kiến nghị viện trưởng Viện KSND TP.HCM thay đổi tội danh đối với bị can Nguyễn Kim Trung Thái (37 tuổi, ngụ quận 1) từ tội "Hành hạ người khác" sang "Giết người".
Theo vị Luật sư này, hành động của Thái góp phần gây ra tổn thương và là nguyên nhân dẫn đến cái chết hoặc yếu tố cộng thêm khiến bé A tử vong. Thái giúp sức, thúc đẩy các hành động của Trang, gây ra tổn thương là nguyên nhân gây chết người.
Trước đề nghị của Luật sư, nhiều người đặt câu hỏi: Pháp luật hiện hành có cho phép thay đổi tội danh sau khi đã khởi tố?
Làm rõ nội dung này, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, trình tự tố tụng một vụ án hình sự trải qua 4 giai đoạn: Khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử.
Khi phát hiện có các căn cứ tại Điều 143 Bộ luật TTHS 2015, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền khởi tố vụ án và tiến hành điều tra. Sau khi kết thúc quá trình điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định truy tố vụ án dựa vào kết luận điều tra, sau đó sẽ chuyển sang giai đoạn xét xử.
Trong giai đoạn khởi tố, theo Điều 156 Bộ luật TTHS, CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự khi có căn cứ xác định tội phạm đã khởi tố không đúng với hành vi phạm tội xảy ra; ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự khi có căn cứ xác định còn tội phạm khác chưa bị khởi tố.
Như vậy, trong giai đoạn khởi tố vụ án hình sự, CQĐT hoặc Viện Kiểm sát đều có quyền thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự khi có căn cứ xác định tội phạm đã khởi tố không đúng với hành vi phạm tội xảy ra.
Trong giai đoạn truy tố, khi xem xét kết quả điều tra, Viện kiểm sát có thể ra quyết định truy tố vụ án hoặc không. Trong trường hợp nhận thấy tội danh đã khởi tố không đúng, Viện kiểm sát có thể trả lại hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Khi đó cơ quan điều tra sẽ thay đổi tội danh đúng. Nếu cơ quan điều tra không đồng ý việc thay đổi tội danh thì Viện kiểm sát có thể đình chỉ vụ án đã khởi tố và ra quyết định khởi tố vụ án mới với tội danh khác.
Còn trong giai đoạn xét xử, theo điều 298, Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng, hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố. Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết.
Như vậy, có thể thấy pháp luật hiện hành cho phép thay đổi tội danh sau khi đã khởi tố khi có đủ căn cứ theo quy định - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.
Theo H.L (An Ninh Thủ Đô)