Ngày 29/1, Công an TP Hà Nội đã bắt khẩn cấp Phạm Thị Hòa (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sen Tài Thu), Nguyễn Thị Thùy Linh (con gái bà Hòa) và Nguyễn Thị Lan Hương về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo công an, từ năm 2018 đến tháng 5/2023, các nghi phạm này nắm rõ việc Công ty cổ phần Sen Tài Thu có dư nợ phát sinh rất lớn, mất khả năng thanh toán nhưng vẫn nâng khống vốn điều lệ, đưa ra doanh thu lợi nhuận của hệ thống không đúng thực tế để huy động vốn trái pháp luật.
Bước đầu cơ quan điều tra xác định có khoảng 100 hợp đồng huy động vốn đã được ký kết, tổng giá trị khoảng 1.000 tỷ đồng.
Công an đang làm rõ mục đích sử dụng số tiền trên của các đối tượng, mở rộng điều tra, đánh giá vai trò của một số người khác liên quan.
Liên quan vụ việc bắt Chủ tịch Sen Tài Thu, từ hồi tháng 8/2023, báo chí đã phản ánh sự việc nhiều người dân rơi vào đường cùng, gia đình ly tán vì sập bẫy đầu tư mua cổ phần của công ty này mà không lấy lại được tiền.
Theo đó, dưới danh nghĩa mua bán cổ phần, Sen Tài Thu đã bắt đầu huy động hơn 1.000 tỷ đồng từ năm 2021 với lãi suất cam kết khoảng 12%/ năm.
Người đầu tư trung bình một vài tỷ, cá biệt có người đầu tư lên đến hơn chục tỷ đồng. Những nạn nhân này đều bị lừa chung một kịch bản là ban đầu gửi tiền vào sẽ được trả đầy đủ cả lãi và gốc.
Sau một thời gian, đến đầu năm 2023, nhiều người đã không còn nhận được cả gốc và lãi. Các nạn nhân đã lên công ty gặp lãnh đạo để đòi tiền nhưng bất thành. Lãnh đạo doanh nghiệp Sen Tài Thu tuyên bố, công ty không còn khả năng chi trả. Tổng Giám đốc đương nhiệm của công ty Sen Tài Thu thì cho rằng trách nhiệm thuộc về ban lãnh đạo cũ.
Huy động 16 tỷ đồng để đầu tư, ung thư không có tiền chữa
Một nạn nhân 73 tuổi ở quận Hoàng Mai, Hà Nội đã đầu tư số tiền lên đến hơn 16 tỷ đồng vào Tập đoàn Sen Tài Thu. Thông tin trên báo Lao Động cho hay, ban đầu bà H. chỉ đầu tư số tiền nhỏ, thấy nhận được lãi đầy đủ, bà dồn cả gốc, lãi cộng thêm tiền bán nhà và huy động từ các con số tiền 16 tỷ đồng để mua cổ phần của Tập đoàn Sen Tài Thu.
Hiện nay bà đứng tên 10 hợp đồng mua cổ phần của công ty này với 16 tỷ đồng huy động toàn bộ tài sản của gia đình. Đau lòng hơn, hiện nạn nhân đang điều trị ung thư giai đoạn 4, việc điều trị rất tốn kém nhưng không còn tiền, tiền đầu tư thì không lấy lại được nên bà không dám xin con cái.
Bà H. đau khổ và thấy có lỗi khi các con đã từng cảnh báo mình vào hơn 1 năm trước nhưng bà vẫn tin tưởng người của Tập đoàn Sen Tài Thu mà dồn toàn bộ tài sản vào công ty.
Trong phóng sự của VTV làm việc với lãnh đạo Sen Tài Thu, ông Trần Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Sen Tài Thu Việt Nam cho rằng, trách nhiệm thuộc về bà Nguyễn Thi Lan Hương - Tổng Giám đốc cũ nhưng đã xin nghỉ việc từ tháng 11, 12/2022.
"Sen Tài Thu làm gì có chức năng nhận tiền. Huy động vốn bằng hình thức chuyển nhượng cổ phần này đều đang để ngoài sổ sách và chưa kê khai gì cả, chưa được nhà nước bảo hộ. Ban lãnh đạo cũ có một số dấu hiệu vi phạm hình sự.
100% số vốn đấy không được sử dụng vào kinh doanh mà được chuyển ra tài khoản cá nhân của ban lãnh đạo để chi tiêu. Chủ đích của ban lãnh đạo cũ rất rõ từ đầu và đi theo đúng con đường là vay của người trước trả cho người sau", VTV News dẫn lời ông Trần Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Sen Tài Thu Việt Nam, nói.
Được biết, khi các nạn nhân đến công ty trực tiếp đối thoại và những câu hỏi chỉ xoay quanh việc bao giờ những người đã bỏ tiền vào đây nhận được tài sản của họ thì câu trả lời luôn là chưa có.
"Những dấu hiệu về mặt sai phạm và khoản thất thoát từ công ty là có. Nhưng bọn em đang cần phải có thêm thời gian cùng với công ty giải quyết những chuyện đó", VTV dẫn lời Tư vấn luật độc lập của Công ty CP Tập đoàn Sen Tài Thu Việt Nam, nói.
Tuy nhiên, một số nạn nhân khẳng định, phía công ty "bảo từ từ giải quyết để mọi người lấy được vốn, nhưng mọi người có lấy lại được vốn đâu. Không lấy lại được 1 đồng nào cả. Chẳng qua là kéo dài thời gian lần nữa của bên công ty ra thôi".
Trao đổi với PV VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, khi giải quyết vụ án hình sự liên quan đến tội phạm xâm phạm quyền sở hữu tài sản, CQĐT sẽ xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, phương thức thủ đoạn phạm tội, đánh giá hậu quả của hành vi phạm tội đã gây ra đối với nạn nhân và xã hội để áp dụng chế tài phù hợp.
CQĐT cũng sẽ làm rõ tài sản mà các bị can đã chiếm đoạt của người bị hại đang ở đâu để áp dụng các biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế, nhằm thu hồi tài sản cho các nạn nhân.
Bên cạnh đó, CQĐT sẽ phong tỏa tài khoản ngân hàng, kê biên đối với các bất động sản, ngăn chặn chuyển dịch tài sản đối với các tài sản khác để đảm bảo thi hành án.
Quá trình điều tra vụ án, nếu các bị can hoặc những người thân của bị can tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, đây sẽ là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự cho các bị can. Việc bồi thường khắc phục hậu quả có thể là một phần hoặc toàn bộ hậu quả, tùy thuộc vào khả năng và thái độ nhận thức của bị can.
Người bị hại phải làm gì để được bồi thường?
Theo luật sư Đặng Văn Cường, những người đã góp tiền vào doanh nghiệp này theo hình thức góp vốn, cho vay hoặc các giao dịch khác mà thấy rằng mình đã bị lừa đảo, do những thông tin gian dối mà chuyển tiền thì có thể liên hệ với CQĐT để đề nghị tham gia tố tụng với vai trò là người bị hại, đồng thời được quyền đưa ra các tài liệu, chứng cứ để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét giải quyết.
Trường hợp kết thúc hoạt động tố tụng mà những người bị hại vẫn chưa nhận được tiền bồi thường thì trong phiên xét xử vụ án hình sự này, người bị hại có quyền đưa ra yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại, buộc bị can hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt và những thiệt hại khác nếu có.
Sau này bản án hình sự có hiệu lực pháp luật mà các bị cáo không tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, lúc đó người bị hại có quyền căn cứ vào bản án đã có hiệu lực pháp luật để đề nghị cơ quan thi hành án cưỡng chế thi hành án.
NT (SHTT)