Diễn biến mới nhất của vụ bắt cóc, sát hại bé gái 21 tháng tuổi
Ngày 22/9, Công an tỉnh Hưng Yên cho biết đơn vị đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Giáp Thị Huyền Trang (27 tuổi, trú xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên, Bắc Giang" về tội "Giết người".
Trang là nghi phạm đã bắt cóc, sát hại bé gái 21 tháng tuổi ở huyện Gia Lâm, Hà Nội, xảy ra hôm 19/9. Người phụ nữ này là đối tượng nghi thực hiện hành vi bắt cóc trẻ em, tống tiền 1,5 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ án, khoảng 18h50 ngày 21/9, lực lượng chức năng vớt được thi thể một phụ nữ, nhận định có thể là nghi phạm bắt cóc bé gái 21 tháng tuổi ở Hà Nội.
Khu vực lực lượng chức năng phát hiện thi thể nữ giới là trên dòng sông Đuống, đoạn qua cầu Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Lực lượng chức năng đang khẩn trương làm thủ tục pháp lý để xác minh người phụ nữ này có phải là nghi phạm Giáp Thị Huyền Trang hay không.
Sáng 22/9, một lãnh đạo UBND xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, cho biết tối 21/9, lực lượng chức năng đã về địa phương đưa bà L. (mẹ nghi phạm Giáp Thị Huyền Trang) đi xét nghiệm ADN.
Trường hợp xác minh đúng nghi phạm đã tự tử chết
Trong trường hợp này, theo luật sư Tạ Phương, Văn phòng luật sư Trung hòa thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, cơ quan điều tra xem xét vụ án có yếu tố đồng phạm hay không.
Quá trình điều tra nếu nhận thấy vụ án có yếu tố đồng phạm như có người cung cấp số tài khoản ngân hàng, có người giúp sức cho đối tượng này phạm tội hay không thì vụ án vẫn được triển khai, điều tra xem xét đối với đồng phạm.
Trường hợp nhận thấy không có dấu hiệu đồng phạm, mà người bị buộc tội đã chết thì trách nhiệm hình sự đối với họ sẽ bị đình chỉ, theo Điều 230 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 trường hợp bị can chết, cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can đó.
Ngoài ra, vấn đề bồi thường thiệt hại dân sự thì vẫn được đặt ra. Lúc này gia đình bị hại sẽ phải khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự.
Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015 quy định việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại:
Nếu hành vi phạm tội của bị can đã chết mà gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường thiệt hại đó theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận các bên. Và những người thừa kế của bị can, bị cáo đã chết sẽ được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trách nhiệm của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan này được xác định như sau:
Nếu người chết là bị can để lại di sản thì di sản này sẽ được dùng để thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho người bị thiệt hại. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có trách nhiệm phối hợp giải quyết.
Nếu người chết là bị can để lại di sản trong đó có phần của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (như tài sản chung vợ chồng, tài sản chung với người khác) thì cơ quan tố tụng phải xác định phần tài sản của người chết là bao nhiêu thì phần đó là di sản và phải dùng để thực hiện nghĩa vụ của người chết là bị can đối với người bị thiệt hại. Sau đó, nếu còn dư thì sẽ chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất như cha mẹ, vợ con.
Lưu ý: Nếu bị can, bị cáo đã chết không còn tài sản thì người bị thiệt hại không có căn cứ để yêu cầu bồi thường. Người thân của người này không có nghĩa vụ phải bồi thường thay, trừ khi họ tự nguyện bồi thường thay người đã chết.
Theo Quốc Thanh (Đại Đoàn Kết)