Mới đây, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đã kết thúc 2 chuyên án đấu tranh lớn nhất từ trước đến nay liên quan đến hành vi “Mua bán bộ phận cơ thể người” (gan, thận) gây chấn động dư luận khi có liên quan đến bác sĩ tham gia vào đường dây này.
Có những quả gan được bán với giá gần 2 tỷ đồng, đa số những người bán gan đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, làm ăn thua lỗ… Sau đó được các đối tượng môi giới với người cần mua và đến các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội để thực hiện “Mua bán bộ phận cơ thể người” . Đây là vụ bán gan đầu tiên được triệt phá, đến nay cơ quan Công an đã khởi tố, tạm giam 2 đối tượng trong đường dây này.
Qua trinh sát nắm tình hình địa bàn, Phòng Phòng ngừa tội phạm mua bán người (Phòng 5), Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an phát hiện đối tượng Trần Văn Hiệp (SN 1971), ở Hà Nội có hành vi "mua bán bộ phận cơ thể người". Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự đã giao Phòng 5 lập kế hoạch xác minh do Thượng tá Ngô Xuân Ý, Phó trưởng phòng trực tiếp chỉ đạo các mũi trinh sát xác minh nơi ở của đối tượng Hiệp. Sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, tổ công tác phát hiện đối tượng trên Hiệp ở phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội đang tìm kiếm những người môi giới để mua, bán bộ phận cơ thể người, đặc biệt là trường hợp bán gan đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.
Người mua gan phải trả cho Hiệp là 1,2 tỷ đồng, trong đó tiền viện phí, tiền thuốc men, bồi dưỡng nhưng người bán gan trực tiếp chỉ được 450 triệu đồng. Hiệp thường xuyên la cà tại các quán nước chè ở ngoài cổng các bệnh viện để chào mời người có nhu cầu ghép gan. Khi tìm được người có nhu cầu bán gan, Hiệp đưa họ đến các bệnh viện: 108, Việt - Đức, Bạch Mai để làm các thủ tục xét nghiệm hoàn thiện các chỉ số HNA, độ chéo…; đồng thời cầm theo bộ hồ sơ của những người có nhu cầu ghép tạng.
Thiếu tá Hoàng Minh Cường, cán bộ Phòng 5 (Cục Cảnh sát hình sự) kể lại, để quảng cáo cũng như tìm người mua gan, đối tượng vào nhóm Facebook như: “Hội tư vấn, hiến và ghép thận Việt Nam”, “Hội những người ghép thận”… để đăng bài viết với nội dung thông tin về nhóm máu, độ tuổi, số tiền bồi dưỡng như: “Cần gấp hiến gan nhóm máu O, bồi dưỡng 700 đến 800 triệu đồng”, “Hiến thận nhóm A-B-O nhận 600 triệu đồng bồi dưỡng thêm”, “Nhận hỗ trợ người hiến thận, các nhóm máu ABO tuổi từ 27 đến 42”, “Hậu tạ cao, có bồi dưỡng thêm sau phẫu thuật”, “Được hưởng bảo hiểm y tế trọn đời”… hoặc đọc những bài viết của những người cần mua, bán gan, thận rồi nhắn tin trao đổi số điện thoại và đi khám, xét nghiệm tại các bệnh viện. Sau khi người ghép có kết quả thì sẽ đọ chéo với nhau, hợp 2/3 các chỉ số như nhóm máu, độ tuổi, HLA… thì sẽ đăng ký làm thủ tục ghép… Nếu trường hợp bệnh nhân ở phía Nam đi xe khách ra các bến xe tại Hà Nội thì Hiệp sẽ đến tận nơi đón rồi tìm nhà nghỉ cho họ gần bệnh viện để thuận tiện cho việc khám, xét nghiệm.
Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, tổ công tác của Phòng 5 báo cáo lãnh đạo Phòng, lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự thành lập Ban chuyên án do Đại tá Tô Cao Lanh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự làm Trưởng ban chuyên án; cùng với 2 Phó Ban chuyên án là Đại tá Đoàn Thế Vinh, Trưởng phòng 5 và Đại tá Nguyễn Hữu Bình (nay là Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang), Trưởng phòng 7… Đến thời điểm chín muồi chuẩn bị phá án thì dịch COVID-19 hoành hành năm 2021, có lúc Ban chuyên án phải tạm ngừng “hoạt động”. Tuy nhiên, để không bị gián đoạn chuyên án, Ban chuyên án đã sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để bám sát di biến động của Hiệp và đã phát hiện đối tượng giao dịch mua bán gan của Lý Văn Quyền (SN 1989) và Vũ Mạnh Cường bán thận.
Ngay sau đó, Ban chuyên án cử tổ công tác tiếp tục xác minh địa điểm bệnh viện các đối tượng tổ chức ghép gan, thận và ai sẽ là người mua. Qúa trình điều tra, tổ công tác phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Giang tổ chức các mũi xác minh và lấy lời khai trực tiếp của những người liên quan. Ngoài ra đối chiếu với các hồ sơ khác, Ban chuyên án thấy “nổi” lên một đối tượng nữ là Trương Thị Khuyến (SN 1966), trú tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Thời điểm đó, Khuyến đang sống như vợ chồng với người đàn ông tên N.V.B (người này đã từng đi bán thận tại Hà Nội), Khuyến chính là người đã giới thiệu Quyền và Cường bán gan và thận cho Hiệp.
Khoảng tháng 1/2021, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, các con còn nhỏ và nợ số tiền 70 triệu đồng nên Quyền đồng ý bán thận và được giới thiệu gặp người môi giới là Khuyến. Sau đó, Khuyến tiếp tục giới thiệu Quyền gặp Hiệp và được đối tượng chào mời bán gan với giá 450 triệu đồng. Lo sợ sức khỏe bị giảm sút nhưng Hiệp nói với Quyền sau khi bán một phần gan sẽ khôi phục bình thường, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, sau ca ghép gan thành công cho anh N.T.P, quê ở tỉnh Hưng Yên, hiện sức khỏe của Quyền yếu do bản thân bị bệnh sơ gan F4 và viêm gan C…
Đối với trường hợp bán thận của Vũ Mạnh Cường, do làm ăn thua lỗ, Cường nợ nần nhiều người với số tiền khoảng 400 triệu đồng. Khi gặp Hiệp được anh ta báo giá bán 1 quả thận với số tiền 250 triệu đồng, Cường đồng ý bán cho chị H.T.H, quê ở tỉnh Quảng Ninh.
Tiếp đó, đối tượng Hiệp còn môi giới bán thận của Nguyễn Minh Trường, quê ở tỉnh Thái Nguyên cho người mua là P.Đ.N. Theo Cục Cảnh sát hình sự, tổng chi phí ghép thận là 700 triệu đồng/ca; ca ghép gan lên tới 1,2 tỷ đồng đến 1,5 tỷ đồng/ca. Trong đó, Hiệp được hưởng lợi chênh lệnh từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng/người ghép; còn Khuyến được Hiệp trả công từ 20 đến 30 triệu đồng.
Ngày 3/8/2022, Hiệp dẫn 3 người phụ nữ đến khu vực đường Giải Phóng (Hà Nội), thì tổ công tác bắt quả tang Hiệp đang cầm hồ sơ của mấy người này để đi xét nghiệm. Tại cơ quan Công an, những người này khai nhận đi cùng với Hiệp để xét nghiệm thận… Đến nay, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, tạm giam bị can Trần Văn Hiệp và Trương Thị Khuyến về hành vi “mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người” theo Điều 154 BLHS và chuyển hồ sơ vụ án đến Công an TP Hà Nội tiếp tục điều tra mở rộng.
Theo Minh Hiền (CAND Online)