Sự cố sốc phản vệ khi chạy thận ở Hòa Bình xảy ra như thế nào? Tối 29/5, nam bệnh nhân 60 tuổi đã tử vong dù được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu suốt một ngày. Đây là nạn nhân thứ bảy tử vong trong vụ chạy thận nhân tạo ở Hòa Bình
Sáng 16/5, phiên xử sơ thẩm vụ án 8 bệnh nhân tử vong khi chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình bước sang ngày làm việc thứ hai. Để làm rõ việc quản lý, bàn giao hệ thống máy móc tại đơn nguyên thận nhân tạo, HĐXX đã xét hỏi một số cán bộ, nhân viên bệnh viện và cho các bị cáo đối chất.
Lập biên bản bàn giao máy móc để đối phó
Nói trước tòa, bác sĩ Hoàng Công Tình, Phó khoa Hồi sức tích cực, đề nghị HĐXX xác minh lại các biên bản bàn giao thiết bị. “Việc bàn giao này tôi không được biết. Tôi không được nhận bàn giao gì cả”, ông Tình nói.
Khi HĐXX đọc biên bản bàn giao máy móc thiết bị, ông Tình khẳng định lại không nhận được biên bản và cũng không được ai thông báo về việc này. Phó khoa Hồi sức tích cực nói không biết về việc sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 ngày 28/5.
Bước lên bục trả lời, bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) - người sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO - tỏ ra bất ngờ về hai biên bản bàn giao thiết bị sửa chữa đề nghị 28/5. Quốc khẳng định một ngày trước khi xảy ra sự cố, anh ta không ký bất cứ biên bản nào. Bị cáo 32 tuổi cũng không biết ai lập các biên bản này.
Được mời lên đối chất, bị cáo Trần Văn Sơn, nguyên cán bộ Phòng vật tư thiết bị y tế Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, thừa nhận là người lập 2 biên bản cơ quan tố tụng thu giữ. Các văn bản được Sơn lập sau khi xảy ra sự cố chạy thận nhân tạo nhằm hoàn tất thủ tục theo quy định.
Ai là người ký thay bị cáo Quốc? "Đó là chữ ký của Quốc nhưng ký sau chứ không phải ngày 28/5", Sơn trả lời thẩm phán.
Theo quy định, trước và sau khi sửa chữa phải có biên bản bàn giao giữa đơn vị sửa chữa và đại diện. Sơn nói anh ta tự làm việc này để có căn cứ bàn giao máy móc cho Khoa hồi sức tích cực.
Phân công phụ trách bằng miệng
Sáng nay, HĐXX cũng đặt câu hỏi với ông Hoàng Đình Khiếu (Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) - người được triệu tập đến tòa với tư cách người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Thời điểm xảy ra sự cố làm 8 người chết, ông Khiếu là Phó giám đốc bệnh viện kiêm Trưởng khoa hồi sức tích cực. Khoa này có hai đơn nguyên là Thận nhân tạo và Hồi sức cấp cứu.
Bác sĩ Hoàng Công Tình được phân phụ trách chung chuyên môn và đơn nguyên Hồi sức cấp cứu, còn bác sĩ Hoàng Công Lương phụ trách đơn nguyên Thận nhân tạo. “Việc phân công có họp, báo cáo trong giao ban và tất cả nhân viên đều biết có phân công nhưng không có văn bản nào đóng dấu đỏ”, ông Khiếu nói.
Bác sỹ phụ trách có trách nhiệm khám chữa bệnh, điều hành và phân công một số công việc thường ngày của khoa. Những gì bất cập, không thực hiện được phải báo trưởng, phó khoa.
Về thiết bị máy móc, ông Khiếu nói theo quy chế quản lý, khi Phòng vật tư bàn giao phải có văn bản. Việc sửa chữa, bảo dưỡng thuộc trách nhiệm của phòng này.
“Khoa chỉ bàn giao cho phòng vật tư rồi nhận lại. Nếu Phòng vật tư không nói, lưu ý gì, chúng tôi sẽ sử dụng bình thường… Hôm xảy ra sự việc, không ai bảo tôi đã nhận lại hệ thống lọc nước RO”, ông Khiếu nói và cho biết Hoàng Công Lương có báo cáo việc sửa chữa hệ thông lọc nước nhưng không báo cáo đã sửa chữa xong. Khi sự cố xảy ra, bệnh viên không rõ nguyên nhân cho đến khi có kết luận điều tra.
Điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp cho biết khoảng 10h ngày 28/5, chị này đến mở cửa hệ thống lọc nước RO số 2 để sửa chữa theo yêu cầu của Sơn. Tối hôm đó, Sơn gọi điện báo đã sửa xong, có thể hoạt động bình thường và việc ký nhận sẽ tiến hành vào hôm sau.
Cáo trạng xác định ngày 28/5/2017, bị cáo Bùi Mạnh Quốc được thuê sửa chữa hệ thống lọc nước RO dùng để chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình nhưng để tồn tại axit trong hệ thống. Bị cáo Trần Văn Sơn không kiểm tra việc Quốc sửa chữa, không lấy mẫu xét nghiệm mẫu nước nhưng vẫn thông báo cho điều dưỡng về việc hệ thống có thể sử dụng bình thường.
Ngày 29/5/2017, bị cáo Hoàng Công Lương - bác sĩ được giao phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo - đã không kiểm tra, không báo cáo kết quả sửa chữa cho cấp trên, đồng thời ra y lệnh chạy thận cho 18 bệnh nhân. 8 người trong số này đã tử vong do hóa chất trong nước cao gấp 260 lần mức cho phép.
Gia đình nạn nhân vụ chạy thận nói bác sĩ Hoàng Công Lương vô tội |
Theo Bá Chiêm (Tri Thức Trực Tuyến)