Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 14 bị can trong vụ án liên quan đến thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG.
Trong số này, ông Nguyễn Bắc Son cùng ông Trương Minh Tuấn (hai cựu bộ trưởng Bộ TT&TT) bị cáo buộc về hai tội: Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và nhận hối lộ. Riêng tội nhận hối lộ, hai ông bị truy tố theo khoản 4 Điều 354 BLHS 2015 (có mức án cao nhất là tử hình).
Nhận hối lộ 3 triệu USD tại nhà riêng
Hai bị can bị xác định đã chỉ đạo và ký quyết định phê duyệt đầu tư dự án với mức giá gần 8.900 tỉ đồng khi chưa có phê duyệt chủ trương đầu tư dự án của Thủ tướng, gây thiệt hại gần 6.500 tỉ đồng.
Kết luận điều tra xác định ông Son lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vì động cơ mục đích cá nhân đã quyết liệt chỉ đạo nhân viên dưới quyền làm trái quy định; chỉ đạo ông Tuấn (khi đó là thứ trưởng) ký quyết định phê duyệt đầu tư dự án khi chưa được Bộ KH&ĐT thẩm định, trái thẩm quyền, trình tự, thủ tục để mua bằng được cổ phần của AVG.
Mặc dù biết rõ văn bản của các bộ, ngành khi trả lời liên quan đến dự án chỉ là tài liệu tham khảo chứ không phải văn bản pháp quy, giá mua và hiệu quả đầu tư dự án cũng chưa được các cơ quan chức năng làm rõ nhưng cựu bộ trưởng Son vẫn thực hiện đến cùng.
Cùng với đó, vì biết nhiệm kỳ của mình sắp kết thúc, ông Son muốn tạo dấu ấn bằng cách MobiFone phải mua mảng truyền hình của AVG, đồng thời nghĩ rằng nếu việc mua bán này “đầu xuôi đuôi lọt” thì chắc chắn các cổ đông của AVG sẽ cám ơn mình bằng vật chất.
Điều này thể hiện bằng việc ngay khi MobiFone thanh toán giá trị 95% cổ phần cho AVG, ông Phạm Nhật Vũ (cựu chủ tịch HĐQT AVG) đã tới tận nhà riêng của ông Son để đưa 3 triệu USD. Cựu bộ trưởng nhận thức rõ việc đưa tiền này là vì đã chỉ đạo thực hiện xong thương vụ mua bán nói trên.
Ngoài ra, ông Son từng nhận của Cao Duy Hải (cựu tổng giám đốc MobiFone) và Lê Nam Trà (cựu chủ tịch HĐTV MobiFone) lần lượt 200 triệu đồng và 200.000 USD vào các dịp lễ, tết.
Đáng chú ý, cựu bộ trưởng khai sau khi nhận tiền, ông đã đưa cho con gái là Nguyễn Thị Thu H. khoảng 10 lần, mỗi lần 300.000-400.000 USD nhưng không có tài liệu gì chứng minh. Đối chất về việc này, bà H. chỉ thừa nhận có ra Hà Nội thăm cha mẹ và vợ chồng ông Son có vào TP.HCM thăm bà vài lần nhưng bà không nhận bất cứ khoản tiền nào từ cha mình.
Ông Son xin nộp số tiền hơn 500 triệu đồng trong tài khoản cá nhân để khắc phục hậu quả.
Dùng hơn 6 triệu USD để “lót tay”
Trong vụ án này, ông Phạm Nhật Vũ bị đề nghị truy tố về hai tội: Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và đưa hối lộ. Riêng tội đưa hối lộ, ông Vũ bị truy tố theo khoản 4 Điều 364 BLHS 2015 (mức án cao nhất là 20 năm tù).
Kết luận điều tra cho thấy ông Vũ mang hơn 6 triệu USD để “lót tay” cho dàn lãnh đạo Bộ TT&TT cũng như MobiFone. Cụ thể, ngoài 3 triệu USD hối lộ cho ông Son, trong quá trình thực hiện dự án, ông Vũ nhiều lần gọi điện thoại để thúc giục Lê Nam Trà cần sớm hoàn thành. Kết quả, sau khi 95% cổ phần AVG về với MobiFone, ông Vũ đã “mạnh tay” chi cho ông Trà 2,5 triệu USD.
Số tiền này ông Trà đã sử dụng cá nhân. Tại CQĐT, cựu chủ tịch MobiFone nhận thức việc nhận tiền từ ông Vũ là sai, vi phạm pháp luật nên đã đề nghị xin được khắc phục toàn bộ số tiền hưởng lợi bất chính.
Người cũng nhận được số tiền khủng từ cựu chủ tịch AVG là ông Trương Minh Tuấn. Cũng giống như ông Son, trong quá trình MobiFone mua cổ phần của AVG, ông Tuấn thường xuyên được ông Vũ gọi điện thoại thúc giục, tạo điều kiện. Khi thương vụ này xong xuôi, ông Vũ đã đến phòng làm việc riêng của ông Tuấn đưa số tiền 200.000 USD. Ông Tuấn xin nộp lại 2,12 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.
Nộp lại tiền trước khi xử chỉ xét giảm nhẹ
Theo TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự, ĐH Luật TP.HCM), khoản 4 Điều 354 BLHS quy định: Nếu của hối lộ là tiền trị giá 1 tỉ đồng trở lên thì người nhận hối lộ có thể bị phạt tù từ 20 năm, tù chung thân đến tử hình (vụ này số tiền nhận hối lộ lên đến hàng triệu USD).
Luật sư Nguyễn Văn Dũ, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng theo điểm c khoản 3 Điều 40 BLHS, người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ thì sẽ không bị phạt tử hình mà chuyển xuống chung thân. Nhưng quy định đó chỉ áp dụng sau khi đã có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa. Còn trước khi xét xử bị can, dù có nộp lại đủ số tiền nhận hối lộ để khắc phục hậu quả đi chăng nữa thì vẫn chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ theo Điều 51 BLHS. Ông Son nộp lại 500 triệu đồng, ông Tuấn nộp 2,12 tỉ đồng, ông Trà nộp 2,5 triệu USD, ông Hải nộp 500.000 USD… thì đây là các tình tiết để HĐXX cân nhắc, xem xét khi nghị án.
14 bị can trong vụ án là ai?
Nhóm tội nhận hối lộ: Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải.
Nhóm tội đưa hối lộ: Phạm Nhật Vũ.
Nhóm tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng: Năm bị can nêu trên cùng Phạm Đình Trọng (cựu vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ TT&TT); Phạm Thị Phương Anh (cựu phó tổng giám đốc MobiFone); Võ Văn Mạnh (cựu giám đốc); Hoàng Duy Quang (cựu nhân viên Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX); Phan Thị Mai Hoa (thành viên HĐQT)...
Theo Tuyến Phan (Pháp Luật TP.HCM)