Vụ thảm án kinh hoàng anh trai Nguyễn Văn Đông (SN 1966) truy sát cả nhà em trai là Nguyễn Văn Hải (SN 1969) tại thôn Bồng, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội sáng 1/9 đã khiến 4 người trong gia đình ông Hải tử vong, 1 người bị thương nặng hiện đang cấp cứu tại bệnh viện.
Một clip tung lên mạng xã hội ngay khi vụ thảm án xảy ra cho thấy hình ảnh một người đàn ông cầm dao chém nhiều nhát vào ít nhất ba nạn nhân đang nằm gục ở khoảng giữa một con ngõ nhỏ. Đầu ngõ và cuối ngõ đều có nhiều người đứng chứng kiến, quay clip nhưng không ai dám vào can ngăn, cũng không có biện pháp gì để ngăn chặn hung thủ dừng việc chém người.
Nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh clip này: Rất nhiều người dân chứng kiến, thậm chí còn đứng quay clip mà không có hành động cứu giúp người bị nạn có bị truy cứu về tội không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm tính mạng? Người dân có thể dùng gạch đá, gậy gộc ném về phía hung thủ khiến hung thủ trọng thương thì biết đâu có thể ngăn được cơn cuồng sát? Trong trường hợp người dân ném gạch đá khiến hung thủ bị thương tích nặng, thậm chí tử vong thì người gây ra việc này có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Trả lời vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: Pháp luật có có quy định trong trường hợp không cứu người bị nạn. Theo đó, Điều 132 bộ luật hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 có quy định tội không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm tính mạng trong khi có điều kiện nhưng lại không cứu giúp dẫn đến người đó chết thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Tuy nhiên trong clip cho thấy mặc dù có rất nhiều người ở hiện trường đó, nhưng bản thân hung thủ khi ấy rất hung hãn, gặp đâu chém đấy rất quyết liệt nên không ai dám thực hiện hành vi cứu giúp người. Trong trường hợp này, những người đứng chứng kiến sẽ không bị buộc tội "không cứu giúp người" vì pháp luật quy định "phải có điều kiện cứu giúp". Đằng này họ không có điều kiện cứu giúp.
Có nhiều ý kiến cho rằng có nhiều người như thế, mỗi người có thể về nhà lấy gậy gộc, cành cây, đá ném từ xa vào hung thủ khiến hung thủ bị trọng thương để ngăn cản. Xét về pháp luật, tại Khoản 1 Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Như vậy, người dân được phép cầm hung khí để chống lại hung thủ với mục đích ngăn cản việc chém người của hung thủ. Trong trường hợp hung thủ tử vong thì người gây ra việc này cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, Luật sư Đặng Văn Cường cũng lưu ý trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Tức là trường hợp hung thủ đã rời dao rồi, không có khả năng tấn công, không có mục đích tấn công truy sát người nữa nhưng người dân vẫn lao vào đánh hoặc dùng gạch đá ném dẫn đến hậu quả hung thủ chết thì sẽ bị khép tội vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và sẽ bị xử lý hình sự.
Theo Đỗ Mai (Giadinh.net.vn)