Vụ án Việt Á và chuyện lương y không vụ lợi

04/07/2022 08:03:39

Vụ án Việt Á với hàng loạt lãnh đạo, cán bộ ngành y bị xử lý đều có bản chất là làm sai, trục lợi. Vì thế, cần tránh tâm lý sợ sai, không dám làm, thiếu ý chí, trách nhiệm với tính mạng, sức khỏe người dân.

Vụ án Việt Á vẫn đang trong quá trình điều tra, nhưng bước đầu với những thông tin chính thức được công bố cho thấy mức độ vi phạm ở quy mô lớn cả về kinh tế và con người.

Ở một góc nhìn nào đó, vụ án Việt Á có thể làm mất niềm tin với những lãnh đạo, cán bộ ngành y tế bị bắt, bị xử lý, nhưng khó làm suy giảm niềm tin với đội ngũ thầy thuốc tâm sáng, tận hiến cứu người. 

Vụ án Việt Á và chuyện lương y không vụ lợi
Những lãnh đạo, cán bộ ngành y tế bị kỷ luật và bắt giữ gây mất niềm tin trong vụ án Việt Á

Nhưng thực tế lại đang có tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm y tế, điều này ảnh hưởng đến việc chữa trị cho người bệnh. Có người nói phải chăng đây là thành công của những kẻ trong cuộc, muốn chống lại vụ án, đổ lỗi cho vụ án, vì có vụ án nên mới xảy ra tình trạng này?

Còn nữa, có hay không sự kích động với luận điệu như vậy để tác động vào tâm lý của thầy thuốc? Có hay không vì thế mà một số cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc?

Sự việc không dám đấu thầu mua thuốc và hiện tượng thiếu thuốc, thiếu sinh phẩm, thiếu máy móc là có thật. Cũng như có một bộ phận cán bộ nhân viên ngành y nghỉ việc là có thật. Chính phủ đã phải tổ chức một cuộc họp bàn hướng xử lý về vấn đề này và mọi việc đang trong quá trình giải quyết.

Những cuộc họp gần đây Chính phủ đều nhấn mạnh đến việc bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, trung thực, không vụ lợi. 

Trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo chiều 30/6 của Bộ Công an về việc hai ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long có nhận hối lộ?, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng C03 cho biết, tội danh đã nói lên vụ lợi. Với bị can Nguyễn Thanh Long, có yếu tố vụ lợi nên mới khởi tố tội danh đó.

Thật ra, việc những người đứng đầu và nhân viên các CDC của một số tỉnh, thành và các bệnh viện bị bắt đều vụ lợi, nghĩa là thoả thuận chia chác để nhận tiền. 

Giả sử, nếu cũng mua với giá từ Bộ Y tế hướng dẫn, nhưng nếu không nhận “hoa hồng”, chắc sẽ không bị bắt như những người vừa qua.

Trở lại vấn đề mua thuốc và các sinh phẩm ý tế, nếu mua đắt vì “kém” nghiệp vụ mà không có một chút vụ lợi, không nhận “hoa hồng”, không chia chác, chắc cũng không đến mức bị bắt và bắt nhiều người như vừa qua.

Vì vậy, không dám mua thuốc và sinh phẩm y tế là vì lẽ gì?, có phải sợ vướng vào “hoa hồng”, lại quả?, có phải nhiều cán bộ còn sợ trách nhiệm, không dám chịu trách nhiệm?.

Thực tế, nếu tâm trong sáng, gạt bỏ yếu tố “hoa hồng”, nghĩ đến người bệnh với đạo người thầy “lương y như từ mẫu” thì khó gì mà không mua, ngại gì mà không tìm cách gỡ vướng để mua đủ thuốc, đủ sinh phẩm. 

Vụ án Việt Á và chuyện lương y không vụ lợi - 1
Nhiều cán bộ bị khởi tố, bắt giam trong vụ Việt Á

Thông điệp mà Thủ tướng Chính phủ nói rất rõ, sai thì phải xử lý, đúng thì phải bảo vệ. Nếu các cơ quan, cá nhân thực sự vô tư, trong sáng, minh bạch, công khai và chống tiêu cực trong đấu thầu, mua sắm thì các cấp, các cơ quan sẽ bảo vệ.

Suy cho cùng, khi tâm trong lòng sáng thì không gì phải sợ, không có gì phải ngại mà không làm. Chỉ có những người làm sai, tư lợi mới không làm khi không có lợi, không làm khi không có tiền và luôn tìm trăm phương nghìn kế để che dấu, đổ lỗi, trốn tránh khi thấy lộ vì đã lỡ nhúng chàm.

Không để những người làm sai tác động tới tâm lý của những người dám nghĩ, dám làm. 

Không để những người làm sai bị xử lý làm ảnh hưởng đến cả xã hội, đến người bệnh đang mong chờ từng viên thuốc. 

Không để những người làm sai, kẻ cơ hội, vụ lợi, kiếm chác làm ảnh hưởng đến hoạt động của ngành y, làm ảnh hưởng đến truyền thống y đức, làm ảnh hưởng đến những thầy thuốc như mẹ hiền. 

Và càng không để những người tư lợi, mưu mô kiếm chác, trục lợi vừa qua đắc ý với luận điệu xử lý sai phạm ảnh hưởng đến tâm lý người dám nghĩ, dám làm.

Chắc chắn, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, với truyền thống của ngành y, dù có những “nốt trầm” vừa qua, nhưng với sự động viên, khích lệ, kính trọng của xã hội với đội ngũ thầy thuốc, những giá trị đích thực vẫn tiếp tục được ghi nhận, biểu dương. 

Và những người tốt, việc tốt tiếp tục còn lan tỏa. Không có gì cản trở được sự yêu nghề của người thầy thuốc, sự hy sinh vì dân vì nước, sự tận hiến cho ngành y.

Thủ tướng đã nói, những việc chưa được thì phải xử lý, khắc phục, nhưng không vì thế mà thiếu ý chí, trách nhiệm với tính mạng, sức khỏe người dân. Ngành y tế cần nhanh chóng kiện toàn các chức danh, rà soát các quy định để làm tốt hơn, tránh tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám làm.

Tâm trong, lòng sáng, không vụ lợi, đó là “lệnh bài” miễn nhiễm để vượt qua “kẻ thủ” sợ hãi, để dám nghĩ, dám làm, dám hy sinh vì nhân dân, vì cộng đồng.

Theo Tấn Đăng (VietNamNet)