Vụ án Vạn Thịnh Phát: Cựu Chủ tịch SCB coi bà Trương Mỹ Lan là thần tượng

12/03/2024 14:00:08

Trả lời câu hỏi của luật sư, trong khi cựu Chủ tịch SCB coi bà Lan là thần tượng, thì cựu Phó Tổng giám đốc SCB lại cho biết: “Thất vọng về bà Trương Mỹ Lan”.

Ngày 12/3, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xử đối với bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng các đồng phạm.

Tiếp tục với phần xét hỏi của các luật sư, các bị cáo trả lời câu hỏi của luật sư Phan Trung Hoài về vai trò và tài sản cũng như các dự án của Vạn Thịnh Phát làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay trong Ngân hàng SCB, trong đó có nhiều tài sản xấu, chưa đầy đủ thủ tục pháp lý…

Vụ án Vạn Thịnh Phát: Cựu Chủ tịch SCB coi bà Trương Mỹ Lan là thần tượng
Quang cảnh phiên toà sáng ngày 12/3.

Bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) với vai trò là Chủ tịch HĐQT, từng trải qua rất nhiều vị trí từ thấp lên cao, phải nắm rõ các quy định của ngành ngân hàng, của pháp luật. Theo lẽ thường, bị cáo Dũng phải biết rõ thành viên hội đồng và những người nắm phần lớn cổ phần trong ngân hàng SCB, các pháp nhân người nước ngoài giữ 30% cổ phần, có tham gia họp thường kỳ, hay tham dự đại hội cổ đông hay không...? Nhưng bị cáo Dũng trả lời… không nhớ rõ.

Về cá nhân bà Lan, bị cáo Dũng lại xem bà này như một “thần tượng”, cho rằng bà Lan là một nhà kinh doanh giỏi. Bị cáo Bùi Anh Dũng nói rằng, trên cương vị Chủ tịch SCB, bị cáo xuất thân từ SCB, luôn nghĩ là người làm thuê, cho nên bị cáo ý thức về kinh doanh, hay nhân sự đều xin ý kiến bà Trương Mỹ Lan.

Còn việc bà Lan có tham gia các buổi họp của SCB không thì bị cáo Dũng cho biết, những lần họp đó có Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung…

Khi được luật sư Hoài đặt câu hỏi ai là người bổ nhiệm bị cáo lên làm Phó Tổng giám đốc SCB, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung khai, về mặt giấy tờ thì HĐQT ra quyết định bổ nhiệm nhưng về mặt bản chất thì bà Trương Mỹ Lan là người đề xuất.

Về vấn đề sở hữu cổ phần của bà Lan tại SCB, bị cáo Dung khai, bà Lan và 2 người con gái có khoảng 15%. Đối với việc sở hữu 30% của các cá nhân và pháp nhân nước ngoài, Dung khai không biết.

Về câu hỏi có biết việc bà Trương Mỹ Lan đưa tài sản của mình vào SCB để tái cơ cấu Ngân hàng SCB không, bị cáo Dung khai có biết việc này. Bà Lan đưa tài sản vào SCB từ năm 2012 (giai đoạn sát nhập 3 ngân hàng), gồm các tài sản như Times Square, Chợ Vải, Windsor vào để tái cơ cấu để làm phương án vay mới, nguồn tiền để trả nợ cho các khoản vay cũ. Còn giai đoạn từ năm 2021 đến nay thì bị cáo không thấy Trương Mỹ Lan đưa tài sản vào để tái cơ cấu SCB.

Cũng theo lời khai của bị cáo Dung, đầu năm 2021, khi được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc thì bị cáo mới thường xuyên gặp bà Lan để nhận chỉ đạo rồi truyền đạt lại cho các thuộc cấp tại Ngân hàng SCB, hợp thức hồ sơ khống, giải ngân để rút tiền cho bà Lan sử dụng. Dung khai biết rõ các khoản vay của Trương Mỹ Lan nhưng đứng tên các cá nhân, công ty “ma” do các khoản vay này đều có điểm chung là được theo dõi trên hệ thống nhưng không thực hiện theo dõi, bỏ qua quy trình cho vay thông thường.

Trước HĐXX, bị cáo Dung xác nhận: “Thất vọng về bà Trương Mỹ Lan”, nay bị cáo xác nhận giữ nguyên ý kiến này và không giải thích gì thêm và  trình bày các nội dung khác.

Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) trả lời HĐXX rằng, trước khi làm cho SCB, bị cáo từng làm ở các công ty bất động sản, trong đó có một công ty bất động sản của Hong Kong. Trong giai đoạn này, công ty của bị cáo có hợp tác với bà Lan một số dự án.

Khi công ty Hong Kong rút về nước, Hoàng được Nguyễn Phương Hồng (nguyên Tổng giám đốc SCB, hiện đã chết) dẫn tới gặp và đề cử với bà Lan để Hoàng về làm việc tại SCB.

Hoàng cũng khai, việc bổ nhiệm bị cáo lên làm quyền Tổng giám đốc là do HĐQT ra quyết định nhưng thực tế bà Lan là người đề bạt, bổ nhiệm cho bị cáo.

Trong vụ án này, bị cáo Trương Khánh Hoàng bị xét xử vì có hành vi giúp sức tích cực cho bà Trương Mỹ Lan rút tiền của SCB, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn. Từ ngày 10/9/2019 đến ngày 1/12/2021, bị cáo Hoàng đã ký hợp thức cho 386 khoản vay, để bà Lan chiếm đoạt số tiền 182.842 tỷ đồng và gây thiệt hại cho SCB số tiền 65.004 tỷ đồng.

Bị cáo Uông Văn Ngọc Ẩn (cựu Phó Chủ tịch HĐQT, cựu Tổng giám đốc SCB) khai nhận, việc hợp nhất 3 Ngân hàng Tín Nghĩa, Đại Tín, SCB là để thực hiện tái cơ cấu. Bị cáo Uông Văn Ngọc Ẩn đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan rút tiền của SCB, đã ký hợp thức 70 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB số tiền là 2.184 tỷ đồng.

Tổng hợp

PTH (SHTT)