Ngày 25-9, TAND Cấp cao tại Hà Nội chấp nhận kháng cáo, tuyên 7 năm tù với bị cáo Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Công ty Tập đoàn Tân Hoàng Minh, về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". So với bản án sơ thẩm, bị cáo được giảm 1 năm tù.
Nhanh chóng khắc phục
Theo bản án phúc thẩm, năm 2022, Tân Hoàng Minh gặp khó khăn về tài chính, bị cáo Dũng chỉ đạo con trai là Đỗ Hoàng Việt, phó tổng giám đốc tập đoàn, tìm cách huy động vốn. Đỗ Hoàng Việt đề xuất phương án phát hành trái phiếu thông qua công ty thuộc hệ sinh thái Tân Hoàng Minh và được cha đồng ý. Từ đó, người này chỉ đạo cấp dưới chỉnh sửa báo cáo tài chính để các công ty đủ điều kiện phát hành trái phiếu.
Qua 9 đợt mở chào bán trái phiếu riêng lẻ, hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng với Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Thông qua đó, bị cáo Đỗ Anh Dũng và đồng phạm huy động được tổng cộng gần 14.000 tỉ đồng.
Trong số này, hơn 5.000 tỉ đồng được phía Tân Hoàng Minh dùng cách lấy người mua sau trả cho người mua trước… Trong vụ án, thiệt hại được tính là hơn 8.600 tỉ đồng và bị cáo Dũng cũng như Tân Hoàng Minh khắc phục ngay giai đoạn điều tra.
Bị cáo Đỗ Anh Dũng được xác định có vai trò cao nhất. Tuy nhiên, Hội đồng Xét xử (HĐXX) cũng đánh giá chủ tịch Tân Hoàng Minh có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Trong đó, tình tiết giảm nhẹ đặc biệt là khắc phục toàn bộ số tiền thiệt hại của vụ án. Cùng với xem xét các yếu tố bị cáo đã cao tuổi, bản thân đang mang bệnh hiểm nghèo, nhiều cống hiến cho xã hội, gia đình có công với cách mạng… nên tòa chấp nhận kháng cáo, giảm nhẹ hình phạt.
Ngoài ra, TAND Cấp cao tại Hà Nội cũng bác kháng cáo của bị hại duy nhất có đơn kháng cáo là Phạm Thị Thi (trú tại tỉnh Thanh Hóa). Trong đơn kháng cáo, bà Thi đề nghị HĐXX TAND Cấp cao tại Hà Nội tăng án đối với bị cáo Đỗ Anh Dũng và trả lãi trái phiếu theo điều khoản hợp đồng nhưng HĐXX cho rằng bị cáo Dũng chỉ phải bồi thường về số tiền thực chiếm, không có nghĩa vụ trả lãi.
Hối hận
Trong phần thẩm vấn trước đó, Chủ tịch Tân Hoàng Minh bày tỏ ăn năn, hối hận, thừa nhận những nội dung bản án sơ thẩm nêu. Bị cáo Đỗ Anh Dũng giãi bày trong suốt thời gian ở trong trại tạm giam, bản thân luôn ý thức phải trả lại tiền cho bị hại. Chính vì thế, trong thời gian trong trại giam, qua 2 lần gặp gia đình, bị cáo đã thu xếp gần 8.000 tỉ đồng để trả bị hại.
"Bị cáo tha thiết mong HĐXX cân nhắc, xem xét một cách toàn diện các khía cạnh của vụ án, tuyên bị cáo bản án nhẹ nhất để sớm trở về tiếp tục cống hiến cho xã hội, cùng Tân Hoàng Minh nối tiếp hoạt động kinh doanh" - chủ tịch Tân Hoàng Minh nói và cho hay gần 1.000 ngày trong tù là rất khủng khiếp với bản thân.
Tại phần tranh tụng, luật sư bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Dũng nói bản án sơ thẩm đã ghi nhận toàn bộ thiệt hại được khắc phục kể từ giai đoạn điều tra vụ án. Trước khi diễn ra phiên tòa phúc thẩm đã có hơn 260 bị hại tiếp tục có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Dũng. Đây là sự khác biệt mà không vụ án lừa đảo nào có khi tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm có hơn 1.500 lá đơn bị hại xin giảm nhẹ cho bị cáo. Ngoài ra, bị cáo Đỗ Anh Dũng đã có hơn 30 năm xây dựng Tập đoàn Tân Hoàng Minh, đóng góp đáng kể ở các phương diện kinh doanh, được Đảng, Nhà nước ghi nhận.
"Không chỉ các đóng góp trên, bị cáo Dũng còn luôn để tâm thực hiện đa dạng các hoạt động xã hội như chăm sóc suốt đời cho 4 bà mẹ Việt Nam anh hùng, ủng hộ lực lượng quân sự tỉnh Lạng Sơn 21 tỉ đồng, ủng hộ 20 tỉ đồng cho công tác phòng chống dịch COVID-19, tài trợ 20 xe rác trị giá 20 tỉ đồng để Hà Nội xử lý môi trường" - luật sư nói và đề nghị HĐXX chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo Đỗ Anh Dũng, sửa bản án sơ thẩm theo hướng giảm án.
Làm việc hết công suất
Trong ngày 25-9, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội thông tin thời gian qua, cơ quan này đã huy động nhân sự làm việc "hết công suất" để có thể hoàn trả trên 8.600 tỉ đồng cho 6.630 bị hại.
Đến nay, còn khoảng hơn 180 bị hại chưa có đơn yêu cầu thi hành án cùng một số ít bị hại do cung cấp sai sót số tài khoản nên chưa thể chi trả. "Đây là vụ việc chưa có tiền lệ với số lượng đương sự rất lớn lại tập trung thời gian ngắn để nhận đơn yêu cầu và tổ chức thi hành án dứt điểm. Chúng tôi phải bố trí nhân sự làm việc hết công suất để có thể chi trả cho người dân đúng tiến độ" - đại diện Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội nói.
Theo Nguyễn Hưởng (Nld.com.vn)