Vụ án 'móc túi' bệnh nhân Bạch Mai: Sơ hở từ chủ trương liên doanh liên kết tại các bệnh viện

28/09/2020 09:12:31

Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Quốc Anh, nguyên GĐ BV Bạch Mai, để điều tra về hành vi “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356 BLHS.

Vụ án “móc túi” bệnh nhân Bạch Mai: Sơ hở từ chủ trương liên doanh liên kết tại các bệnh viện
Bệnh viện Bạch Mai

CQĐT cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Ngọc Hiền, nguyên PGĐ BV và Trịnh Thị Thuận, nguyên Kế toán trưởng, để điều tra cùng về tội danh trên.

550 bệnh nhân bị “móc túi” 10 tỷ

Trước đó, CQĐT xác định một số cá nhân tại Cty CP Công nghệ Y tế BMS và Cty CP Thẩm định giá & Dịch vụ Tài chính Hà Nội (VFS) có thủ đoạn gian dối, câu kết hợp thức các thủ tục để nâng khống lên nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với BV Bạch Mai, nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của người bệnh.

Ngày 31/8/2020, CQĐT đã khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại BV Bạch Mai, Công ty BMS và các đơn vị có liên quan. Đồng thời, ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Đức Tuấn (SN 1979, Chủ tịch HĐQT, GĐ Cty BMS) và Ngô Thị Thu Huyền (SN 1983, PGĐ Cty BMS); Quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú với Trần Lê Hoàng (SN 1978, Thẩm định viên Công ty VFS). Các bị can nêu trên đều bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 BLHS.

Tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 4/9, Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết, kết quả điều tra bước đầu, xác định có một số cá nhân của Cty BMS và Cty VFS có thủ đoạn gian dối, câu kết, hợp thức các thủ tục để nâng khống nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế.

Cụ thể, trong việc lắp đặt hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật thần kinh, theo tờ khai hải quan ghi nhận hệ thống hỗ trợ phẫu thuật thần kinh nhập khẩu có giá trị khoảng 7,4 tỷ đồng (đã bao gồm thuế VAT); nhưng các đối tượng này đã câu kết với nhau, nâng khống giá hệ thống lên 39 tỷ đồng; và được hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với BV Bạch Mai.

“Giá hệ thống robot 7,4 tỷ đồng, chi phí khấu hao máy mỗi ca bệnh hơn 4 triệu đồng. Tuy nhiên, với giá họ khai 39 tỷ đồng thì người bệnh phải trả chi phí khấu hao máy là 23 triệu đồng/ca, chênh lệch hơn 18 triệu đồng/ca”, ông Xô thông tin.

Trong các năm từ 2017 đến 2019, BV Bạch Mai thanh toán tổng cộng 550 ca, chi phí chênh lệch các đối tượng hưởng lợi, chiếm đoạt của người bệnh hơn 10 tỷ đồng.

Rà soát, xem xét lại hoạt động liên doanh liên kết trong các BV 

Cũng tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường thông tin thêm về chủ trương liên doanh, liên kết tại các BV công lập hiện nay.

Trước 1/1/2018, chủ trương về hoạt động tự chủ, tự hoạch toán, về chủ trương liên doanh, liên kết của các BV công thực hiện theo Thông tư 15/2007/TT-BYT, có quy định việc thẩm định cấu hình, tính năng kỹ thuật, thẩm định giá trị tài sản của thiết bị y tế trong liên doanh liên kết nguyên tắc là căn cứ theo kết quả đấu thầu tương tự, nếu chưa từng có hoạt động đấu thầu thì căn cứ theo tờ khai nhập khẩu.

Từ 1/1/2018, các BV được lựa chọn các đối tác liên doanh, liên kết, các đơn vị sự nghiệp công lập phải công khai trên trang thông tin của mình, cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, của địa phương, trang thông tin của Cục quản lý tài sản công Bộ Tài chính… về các đối tác, các hoạt động liên doanh liên kết, về các thiết bị mua sắm…

Căn cứ hồ sơ đăng ký liên doanh liên kết của tổ chức cá nhân, cam kết chịu trách nhiệm cá nhân với việc này thì cơ quan chức năng cấp phép cho hoạt động liên doanh, liên kết.

Thứ trưởng Cường nhấn mạnh, các văn bản nêu trên là cơ sở pháp lý để thực hiện hoạt động liên doanh, liên kết.

Sau khi sự việc ở BV Bạch Mai được phát giác, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, trong đó có Bạch Mai rà soát lại hoạt động liên doanh, liên kết, điều chỉnh giảm giá các dịch vụ thực hiện trên máy đầu tư bằng nguồn vốn nhàn rỗi của hệ thống bệnh viện.

Cụ thể, có 18 dịch vụ ở BV Bạch Mai về bằng mức giá khi thanh toán với cơ quan bảo hiểm y tế. Bệnh viện cũng đã thực hiện thương thảo, đàm phán với các doanh nghiệp liên doanh liên kết để ban hành quyết định giảm giá dịch vụ.

Thứ trưởng Bộ Y tế dẫn chứng, dịch vụ với loại máy có mức giá 5 triệu đồng, xuống còn 4,3 triệu đồng/ca, máy có giá 28 triệu đồng thì giảm xuống còn 24 triệu đồng/ca.

Ngoài ra, cơ quan chuyên môn cũng đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế để xây dựng Chỉ thị về hoạt động liên doanh liên kết, sẽ sớm chính thức ban hành.

Theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường, sau khi xảy ra sự việc tại BV Bạch Mai, Bộ đã yêu cầu các BV thuộc Bộ Y tế khắc phục các tồn tại hạn chế của hoạt động liên doanh liên kết. Cụ thể, Bộ Y tế đã có Công văn số 7158 gửi các BV yêu cầu thực hiện kiến nghị về thực hiện cơ chế tự chủ giai đoạn 2016-2018, trong đó có đề nghị các BV khắc phục các tồn tại hạn chế của hoạt động liên doanh liên kết; rà soát lại các hợp đồng liên kết để thực hiện chấm dứt hợp đồng khi đã hết khấu hao, hết thời hạn hợp đồng.

Đối với các đơn vị có chi trả lãi vay, Bộ Y tế đề nghị đàm phán với đối tác để thu hồi lãi vay đã chi trả và chấm dứt nội dung chi này; đàm phán với đối tác để điều chỉnh giảm giá hoặc giảm thời gian liên kết và tỷ lệ phân chia phù hợp để đảm bảo hài hòa lợi ích các bên, trong đó có lợi ích của người bệnh; hàng năm báo cáo kết quả thực hiện đề án liên doanh liên kết về Bộ Y tế.

Theo Văn Sơn (Báo Pháp Luật)