Thượng tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an đưa ra nhận định trên khi nêu góc nhìn về vụ 4 tiếp viên xách tay 11kg ma túy về Việt Nam.
Theo Thượng tá Đào Trung Hiếu, suy đoán vô tội là một nguyên tắc của tố tụng hình sự Việt Nam. Đối với những người tiến hành tố tụng, việc chứng minh sự vô tội là nghĩa vụ bắt buộc, nếu không chứng minh được, việc buộc tội là có căn cứ.
Ông Hiếu cho biết, bản thân ông có niềm tin rằng 4 tiếp viên hàng không đó có thể không biết số hàng được nhờ mang về nước bên trong có ma tuý. Bởi việc bị người khác lợi dụng vận chuyển hàng cấm hoàn toàn có thể xảy ra.
Mặt khác, hàng được ngụy trang rất kỹ mà bằng mắt thường khó nhận ra bên trong có chất cấm. Clip ghi lại cảnh các tiếp viên qua cửa hải quan và trong lúc làm việc ban đầu, thái độ của họ rất bình thản, không có biểu hiện sợ sệt thường thấy của kẻ làm việc phạm pháp khi bị kiểm tra.
Bên cạnh đó, nếu thông tin người trung gian gửi họ cầm hàng về là đồng nghiệp mà đúng, thì sự tin tưởng, dẫn đến chủ quan, thiếu kiểm tra kỹ càng hàng hoá là điều dễ hiểu.
Theo Thượng tá Đào Trung Hiếu, nếu việc suy đoán vô tội mà đúng, có thể nhận định họ đã xách theo số hàng trên bởi sự chi phối của các yếu tố tâm lý sau: Tưởng là vô hại; tham chút tiền công; đã từng vận chuyển hàng xách tay (lậu thuế) trước đây mà không hề hấn gì nên coi xách hàng như một cách gia tăng thu nhập; thiếu hiểu biết, chưa trải sự đời, không lường được những éo le trong cuộc sống.
Tuy nhiên, theo Thượng tá Hiếu, hiện chưa thể khẳng định chắc chắn điều gì, cơ quan chức năng đang điều tra rất kỹ về ý thức chủ quan của họ, để không làm oan người vô tội nếu họ thực sự bị lợi dụng.
Để làm sáng tỏ vụ việc, theo chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu, nhất thiết phải truy ra kẻ gửi hàng; thu thập chứng cứ về cuộc giao dịch của họ; xác minh mọi thứ liên quan đến 4 người này để xem trước đây đã có những lần tương tự hay không; các mối quan hệ của họ tại nước ngoài nghi vấn liên quan…
“Dù có bị lợi dụng vào việc vận chuyển hàng cấm thì 4 nữ tiếp viên này cũng đã vi phạm pháp luật, vi phạm chế độ công tác, quy tắc nghề nghiệp, nên việc xử lý của cơ quan chức năng và cơ quan chủ quản là điều chắc chắn”, ông Hiếu cho biết.
Từ vụ việc trên, Thượng tá Đào Trung Hiếu lưu ý, khi được nhờ cầm hộ hàng hoá, cần làm rõ người gửi hàng là ai? nhờ chuyển cho ai? lý do gửi mình chuyển hàng hộ? vì sao lại nhờ mình? Quan hệ các bên có đủ độ tin cậy, thân thiết để nhờ vả không? Nhất thiết phải ghi âm lại các đối thoại, chụp ảnh điện thoại người gửi hàng, lưu lại các tin nhắn nhờ vả (nếu có).
Kiểm tra tận mắt, tận tay xem đó là hàng hoá gì. Không dễ tin vào lời trình bày của người gửi vì sự nể nang có thể mang đến những rủi ro. Với những hàng hóa mà bằng mắt thường khó có thể xác định chủng loại, chất lượng thì có thể yêu cầu xuất trình tài liệu chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Nếu vẫn không yên tâm thì từ chối vận chuyển.
Không nên vì tham chút lợi ích vật chất mà tự đẩy mình vào các rủi ro pháp lý. Luôn có ý thức cảnh giác và đặt ra câu hỏi nếu chẳng may đây là hàng cấm thì làm gì để chứng minh sự trong sạch của mình.
Là giảng viên bộ môn điều tra tội phạm nên, ông Hiếu tin những ý kiến từ dư luận xã hội cả bên buộc tội lẫn bên gỡ tội đều có tác dụng tích cực đối với người làm án, để đảm bảo phương châm: Thận trọng, khách quan, toàn diện và đầy đủ trong hoạt động điều tra.
Bởi vì mục đích của công tác điều tra tội phạm là tìm ra sự thật khách quan, chứ không phải lập thành tích bỏ tù người ta.
Những “cái phanh” là vô cùng quan trọng trong làm án, tránh được xu hướng quá tả hay quá hữu.
Ngày 21/3, Công an TP HCM phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra vụ 4 nữ tiếp viên hàng không mang hơn 11kg ma túy từ Pháp về sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã khám xét nơi ở của 4 nữ tiếp viên, nhưng không tìm thấy ma túy. Hiện Công an vẫn đang tiến hành lấy lời khai, làm rõ hành vi của các nữ tiếp viên này.
Sáng 16/3, Cục Hải quan TP HCM chủ trì, phối hợp Đội Kiểm soát ma túy Cục Hải quan TP HCM; Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC04), Công an TP HCM; Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04), Bộ Công an; Đội Kiểm soát chống buôn lậu ma túy khu vực miền Nam; Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công kiểm tra hành lý của 4 tiếp viên này.
Qua kiểm tra hành lý, lực lượng chức năng phát hiện có hơn 11kg ma túy được ngụy trang trong các ống kem đánh răng. Cụ thể, trong hành lý của tiếp viên Võ Tú Q. chứa tổng cộng 3,18 kg ma túy; hành lý của tiếp viên Trần Thị Thu Ng. chứa 0,78kg ma túy; tiếp viên Nguyễn Thanh Th. chứa 3,18 kg và tiếp viên Đặng Phương V. là 4kg.
Cục Hải quan TPHCM khẳng định vụ án được phát hiện không phải là sự tình cờ. Đơn vị đã căn cứ thông tin tình báo, các nghiệp vụ kiểm soát hải quan, căn cứ các dấu hiệu nghi vấn về tuyến, đối tượng trọng điểm, kết quả thu thập thông tin, từ đó Cục Hải quan TPHCM đã chỉ đạo phá án.
Theo Hải Ninh (Kienthuc.net.vn)