Bị bắt vì 65ml dầu cam
Năm 1985, khi đang làm việc trong một xí nghiệp kẹo ở Đắk Lắk, một người tên Hoàn, là Trưởng phòng kế hoạch trong xí nghiệp kẹo muốn nhờ ông Nguyễn Lâm Sáu (SN 1940, ngụ tại số nhà 60, Võ Văn Kiệt, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) tìm bột axít chanh để làm kẹo tết. Do có quen biết với ông Phạm Văn Cần (nguyên là tổ trưởng hợp tác xã nước ngọt Hồ Lắk) nên ông Sáu nhờ người này mua chở tới.
Nhưng ngay sau khi vừa nhận hàng được vài phút thì công an đã ập tới nhà ông Sáu khám xét. Kết quả khám xét, Phòng An ninh Kinh tế Văn hóa Công an tỉnh Đắk Lắk chỉ thu giữ được “65ml tinh dầu cam (đã hư)” (trích nguyên văn biên bản khám xét). Với những tang chứng này, Công an tỉnh Đắk Lắk đã tống giam ông Sáu vì "can tội buôn bán hàng trái phép".
"Họ bắt tôi ngày 14.11.1985 nhưng lại ghi trong biên bản là "thi hành lệnh bắt số 08 ngày 14.12.1985. Chưa kể trong biên bản này còn có nhiều chi tiết ghi sai, không chính xác. Họ không thể nói tôi buôn bán hàng trái phép khi phát hiện dầu cam trong nhà tôi…", ông Sáu nói.
"Bị bắt oan, 9 ngày trong trại giam tôi đã tuyệt thực. Khi được thả, tôi chẳng còn tí sức nào. Vừa ra khỏi trại một đoạn, tôi ngất xỉu. May có một người dân kéo xe bò đi ngang qua cứu giúp, đưa tôi về nhà”, ông Sáu kể thêm.
Ngày 21.11.1985, Công an tỉnh Đắk Lắk ra lệnh tạm tha đối với ông Sáu, nhưng mãi đến ngày 24.11.1985, ông Sáu mới được thả về nhà. Sau khi về nhà ông Sáu được biết, cũng trong thời gian ông bị bắt, ông Phạm Văn Cần (theo ông Sáu người này to khỏe, nặng hơn 80kg) cũng bị công an bắt vì buôn bán hàng trái phép. Nhưng chỉ sau 7 ngày vào tù ông Cần bỗng dưng tử vong.
Không chấp nhận chịu oan khiên, sau khi ra tù, ông Sáu đã làm đơn khiếu kiện cho rằng mình bị oan, đề nghị cơ quan điều tra đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can. Tuy nhiên, suốt mấy chục năm qua, cơ quan điều tra vẫn không ra lệnh đình chỉ vụ án và đình chỉ điều tra đối với ông Sáu.
Mãi đến ngày 28.11.2013, ông Sáu mới nhận được Quyết định số 384/QĐ-GQKN của Công an tỉnh Đắk Lắk về việc giải quyết khiếu nại lần đầu. Quyết định này cho biết: “Thời hiệu khiếu nại đã hết… Ông Nguyễn Lâm Sáu bị tạm giữ, sau đó được tạm tha, không phải bị bắt giam và được tạm tha, vụ án chưa được khởi tố và ông Sáu chưa bị khởi tố với tư cách là bị can…”.
Song Quyết định 384 khẳng định: “Việc tạm giữ đối với ông Nguyễn Lâm Sáu quá hạn 7 ngày (từ 18.11 đến 24.11.1985), đồng thời việc sử dụng sai biển mẫu Biên bản bắt, khám xét và Lệnh tạm tha…đã ảnh hưởng về mặt vật chất và tinh thần đối với ông Sáu... Trách nhiệm trên thuộc về ông Bùi Văn Nhị, nguyên Trưởng phòng An ninh Kinh tế Văn hóa (nay đã nghỉ hưu) và ông Bùi Văn Cường… Hai ông có tên nói trên có trách nhiệm cùng Phòng An ninh Kinh tế Văn hóa, Công an tỉnh Đắk Lắk thỏa thuận bồi thường thiệt hại đối với ông Sáu”.
Không đồng ý với quyết định 384, ông Sáu lại tiếp tục làm đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan chức năng; yêu cầu được nhận được quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can.
Ngày 25.1, Công an tỉnh Đắk Lắk mới chính thức công khai xin lỗi ông Sáu và thừa nhận những sai phạm trước đây. Tại buổi xin lỗi, đại tá Nguyễn Thế Lực- Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, mong muốn gia đình ông Nguyễn Lâm Sáu ghi nhận lời xin lỗi chân thành và phối hợp để thực hiện các nội dung liên quan mà Công an tỉnh và ông đã thống nhất.
Đại tá Lực hứa trước buổi xin lỗi công khai, phía Công an tỉnh Đắk Lắk cam kết thực hiện đúng và đầy đủ việc thỏa thuận, bồi thường về vật chất, tinh thần cho ông Nguyễn Lâm Sáu theo đúng các quy định của pháp luật.
"Gia đình tôi đã sống trong tủi nhục"
Trước ngày Công an tỉnh Đắk Lắk tổ chức xin lỗi, ông Sáu đã gửi cho chúng tôi bài viết dài hơn 19 trang giấy kể nỗi thống khổ mà ông và gia đình đã phải chịu đựng suốt 10 năm qua.
Ông Sáu cho biết, với thân phận bị can, 33 năm qua, ông không có bất cứ giấy tờ gì để chứng minh mình là một công dân. Việc này đã khiến ông bị mất đi rất nhiều quyền công dân. Nhưng nỗi khổ ấy không bằng cái cách mà người khác đã xa lánh, rẻ rúng gia đình ông và ông- một trí thức được học hành đàng hoàng ở nước ngoài.
Ông Sáu kể với chúng tôi, sức mạnh của công lý đã giúp ông đứng vững, để đến ngày hôm nay ông đã vô cùng hạnh phúc khi được minh oan. Chỉ tiếc rằng, vợ ông vì không chịu nổi áp lực mà sinh bệnh qua đời, không được thấy ngày chồng được giải oan.
"Tôi bị coi là bị can trong suốt 33 năm, bị mọi người khinh rẻ, dị nghị, phỉ bảng, coi thường. Những mất mát về vật chất có thể bù đắp được nhưng những mất mát về tinh thần về danh dự, về quãng đời thanh xuân của tôi thì không gì có thể bù đắp... Hơn 12 ngàn ngày qua, gia đình tôi đã sống trong tủi nhục. Nhưng nhờ sự hỗ trợ tích cực của các nhà báo, các luật sư mà tôi đã tìm lại được công lý", ông Sáu nói.
Theo Duy Hậu (Dân Việt)