Liên quan đến dự án iFan của Công ty Modern Tech bị người dân tố lừa đảo 15.000 tỷ đồng. Trao đổi với báo NTNN/Dân Việt, Luật sư Đặng Huỳnh Lộc - Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh, Trưởng Văn phòng Luật sư Huyền Vũ nhận định, sự việc hơn 32.000 người được cho là bị Công ty Modern Tech chiếm đoạt hơn 15.000 tỉ đồng từ việc đầu tư tiền ảo iFan, Pincoin vào Công ty này là bài học cảnh tỉnh đắt giá cho những người có tham vọng đầu tư tiền ảo.
Theo Trưởng Văn phòng Luật sư Huyền Vũ, từ năm 2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từng lên tiếng cảnh báo không công nhận Bitcoin cũng như các loại tiền ảo khác như một loại phương tiện thanh toán theo pháp luật Việt Nam.
Cuối năm 2017, Đại học FPT dự kiến cho phép thu học phí bằng đồng Bitcoin đối với sinh viên nước ngoài đang học tại trường, NHNN khẳng định không cho phép. Thậm chí từ 1.1.2018, theo Bộ Luật hình sự, việc sử dụng thanh toán bằng tiền ảo có thể bị xử phạt mức cao nhất lên tới 200 triệu đồng, có thể xử lý vi phạm hình sự.
Theo luật sư Đặng Huỳnh Lộc: Tóm lại, theo pháp luật Việt Nam, tiền ảo không phải là đồng tiền hợp lệ và phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam được quy định tại Nghị định 96 và Bộ luật Hình sự.
Cụ thể, khoản 1, Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người nào trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà cố ý thực hiện một trong các hành vi, trong đó có hoạt động phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp, gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Điều 206 của Luật Hình sự sửa đổi năm 2017 có đối tượng điều chỉnh rộng hơn, không chỉ giới hạn là các tổ chức tín dụng như điều 206 của Luật Hình sự 2015 mà còn bao gồm các hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. Do đó, điểm h, khoản 1, điều 206 Luật Hình sự sửa đổi 2017 liên quan tới các chủ thể khác, trong đó có cá nhân trong hoạt động của ngân hàng, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp khác.
“Như vậy, Công ty Modern Tech có hoạt động kinh doanh tiền ảo là hành vi vi phạm pháp luật, doanh nghiệp và người đại diện pháp luật của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hậu quả nếu có xảy ra” – Luật sư Đặng Huỳnh Lộc nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Trưởng Văn phòng Luật sư Huyền Vũ cho rằng: Trong sự việc này, có một sự kiện pháp lý cũng cần được lưu ý. Đó là việc Công ty Modern Tech tuyên bố giải thể. Việc giải thể của Công ty Modern Tech trước hết là phải tuân thủ đúng lộ trình theo Nghị định 78/2015/NĐ-CP về Đăng ký doanh nghiệp. Nghĩa là phải công bố thông tin giải thể, Quyết định giải thể doanh nghiệp, báo cáo thanh lý tài sản doanh nghiệp, danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội (nếu có).
Ngoài ra, theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, vụ Công ty Modern Tech, cơ quan chức năng có thể tiến hành khởi tố; xử lý theo quy định tại điều 290 Bộ luật hình sự 2015. Theo đó, chế tài xử phạt ở mức cao nhất cho loại tội danh này lên đến 20 năm quy định tại khoản 4 của điều này; khoản 5 của điều luật này còn quy định, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật Basico cho rằng vụ việc trên rõ ràng là lừa đảo, các đối tượng lừa đảo trong vụ này có thể bị xử tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" hoặc tội "Kinh doanh đa cấp trái pháp luật””.
Theo Thành An (Dân Việt)