Thông tin tại họp báo cho biết, lúc 17 giờ 45 ngày 12/3, Công an TPHCM nhận được thông báo của Sở Ngoại vụ TP về việc 30 công dân Indonesia đến Tổng Lãnh sự quán Indonesia tại TPHCM trình báo về việc bị một số đối tượng đưa sang Việt Nam, “giam lỏng” tại một căn nhà và cưỡng ép thực hiện việc giả danh cơ quan chức năng Indonesia (công tố viên viên, cảnh sát…), nhân viên ngân hàng… gọi điện thoại cho nhiều người ở Indonesia yêu cầu chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Ban Giám đốc CATP đã chỉ đạo Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Phòng An ninh điều tra phối hợp các đơn vị có liên quan khẩn trương xác minh, điều tra vụ việc.
Căn cứ vào nội dung trình báo, mô tả của 30 công dân Indonesia, Công an đã xác định số người này bị “giam lỏng” tại căn nhà có địa chỉ số 455 Bình Quới, Phường 28, quận Bình Thạnh. Tuy nhiên, khi Công an tiến hành kiểm tra tại địa chỉ trên, số đối tượng quốc tịch Malaysia đã bỏ trốn.
Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, qua rà soát, truy xét, Công an xác định các đối tượng quốc tịch Malaysia đang thuê phòng tại khách sạn Tân Sơn Nhất (số 202, đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận) và đã mua vé máy bay để bỏ trốn khỏi Việt Nam vào chiều 13/3.
Lực lượng Công an đã đưa 6 đối tượng, gồm: Leaw Boon Kiat (SN 1987), Tee Cheng Sheng (SN 1994), Leaw Boon Leong (SN 1991), Thong Joon Kin (SN 1991), Poon Sook Yin (SN 1995) và Gan Ban Lee (SN 1981) về trụ sở Cơ quan An ninh điều tra CATP để làm việc.
Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận: Leaw Boon Kiat thông qua một công ty du lịch tại Indonesia đã quảng cáo, giới thiệu việc làm “dịch vụ khách sạn, nhà hàng” nhằm dụ dỗ 30 công dân Indonesia trên đến Việt Nam. 30 người này được chia thành 6 nhóm, nhóm đầu tiên đến Việt Nam vào tháng 11/2022, nhóm gần nhất đến Việt Nam vào ngày 10/3/2023.
Ngay sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, 30 công dân Indonesia trên đã bị các đối tượng thu giữ hộ chiếu, điện thoại, đưa về tòa nhà tại địa chỉ số 455 Bình Quới, Phường 28, quận Bình Thạnh và không cho ra ngoài, sau đó bị cưỡng ép họ thực hiện theo “kịch bản” giả danh cơ quan công tố Indonesia (công tố viên, cảnh sát…), nhân viên ngân hàng… gọi điện thoại cho nhiều người ở Indonesia yêu cầu chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan Công an đã tạm giữ 2 xe ô tô, 54 điện thoại di động, 9 máy tính xách tay, 21 thẻ ngân hàng các loại, 38 thẻ sim các loại, 2 thiết bị phát sóng mạng di động… là phương tiện, công cụ thực hiện hoạt động lừa đảo.
Trong quá trình điều tra, lực lượng Công an xác định Leaw Boon Kiat đã nhờ vợ là N.T.L (SN 1992, quốc tịch Việt Nam, hộ khẩu thường trú quận Bình Thạnh) thuê căn nhà số 455 Bình Quới, Phường 28, quận Bình Thạnh với giá 109 triệu đồng/tháng và căn nhà số 1244 Quốc lộc 1A, phường Tân Tạo, quận Bình Tân với giá 150 triệu đồng/tháng để làm nơi thực hiện hành vi phạm tội.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan An ninh điều tra Công an TPHCM xác định 3 đối tượng Leaw Boon Kiat, Thong Joon Kin, Gan Ban Lee đã có hành vi thuê nhà, chứa chấp, cưỡng ép 30 công dân Indonesia để huấn luyện và thực hiện hoạt động lừa đảo, mặc dù biết nhiều người trong đó đã quá hạn lưu trú theo diện miễn thị thực nhằm mục đích hưởng lợi.
Ngày 18/3/2023 và ngày 21/3/2023, Cơ quan An ninh điều tra Công an TPHCM đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 3 đối tượng: Leaw Boon Kiat, Thong Joon Kin, Gan Ban Lee (cùng quốc tịch Malaysia) về hành vi “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép” (theo Điều 348 Bộ Luật hình sự). Các quyết định và lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM phê chuẩn.
Hiện Cơ quan An ninh điều tra Công an TPHCM đang củng cố chứng cứ; đồng thời phối hợp Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) và Hiệp hội Tư lệnh Cảnh sát các nước Đông Nam Á (Aseanpol) mở rộng điều tra vụ án để xử lý theo quy định của pháp luật.