Vụ 2 học sinh cá biệt trúng tuyển trường công an: Người tố giác nói gì?

30/09/2021 09:23:02

“Đây là lần đầu tiên kiến nghị của luật sư tại phiên tòa xét xử vụ án gian lận thi THPT Quốc gia năm 2018 xảy ra tại tỉnh Hà Giang được xem xét và việc khởi tố điều tra là quyết định đúng đắn”, luật sư Hoàng Văn Hướng- người tố giác vụ việc chia sẻ.

Vụ 2 học sinh cá biệt trúng tuyển trường công an: Người tố giác nói gì?
Các bị cáo trong phiên tòa xét xử gian lận thi cử tại Hà Giang

Quyết định đúng đắn

Như Tiền Phong đã đưa tin, sau khi nhận được thông tin tố giác tội phạm của luật sư Hoàng Văn Hướng (Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) về việc có 2 học sinh cá biệt đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2017 tại Hà Giang và trúng tuyển trường công an, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Hà Giang vừa khởi tố vụ án hình sự “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” để điều tra.

Ngày 29/9, trao đổi với PV Tiền Phong về vụ việc trên, luật sư Hoàng Văn Hướng cho biết, với vai trò là người tham gia tố tụng trong vụ án gian lận thi THPT năm 2018 xảy ra tại tỉnh Hà Giang, ông đã nhận thấy có những thông tin, dấu hiệu về vụ gian lận thi cử THPT xảy ra vào năm 2017 và có nhiều kiến nghị, nhưng đây là lần đầu tiên được xem xét với một vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực giáo dục và được dư luận quan tâm.

Theo luật sư Hướng, tại phiên toà xét xử diễn ra tháng 10/2019, bị cáo Triệu Thị Chính (nguyên Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang) khai, đã báo cáo với ông Vũ Văn Sử (cựu Giám đốc sở GD&ĐT) về việc năm 2017 có những dấu hiệu phạm tội trong công tác thi cử. Cũng tại toà, bản thân ông Sử thừa nhận rằng bị cáo Chính có báo cáo sự việc này.

Theo đó, luật sư Hoàng Văn Hướng người bào chữa cho bị cáo Triệu Thị Chính, đã kiến nghị HĐXX khởi tố vụ án hình sự với dấu hiệu vi phạm pháp luật trong vấn đề công tác điểm thi năm 2017.

“Tuy nhiên, tại thời điểm đó tòa án chỉ xem xét vụ án gian lận thi cử năm 2018 nên tôi đã có kiến nghị cụ thể là phải xem xét cả năm 2017. Sau 2 năm từ khi có kiến nghị, cơ quan điều tra khởi tố vụ án mặc dù không phải là kịp thời nhưng có thể nói đây là quyết định đúng đắn vì trong quá trình điều tra sẽ gặp khó khăn như phải giám định lại các bài thi” - luật sư Hướng nêu quan điểm.

Giữ lại toàn bộ bài thi để điều tra

Theo luật sư Hướng, trước khi xảy ra vụ án gian lận thi cử năm 2018 bị phát hiện, trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 tại Hà Giang, có 2 thí sinh “cá biệt” là S.V.Đ. và N.V.T. ở huyện Xín Mần thi đỗ vào trường công an và có thông tin mỗi thí sinh phải “chạy” điểm với giá 500 triệu đồng.

Từ những thông tin trên, luật sư Hoàng Văn Hướng kiến nghị HĐXX xem xét, điều tra về việc này; đồng thời, đề nghị giữ lại toàn bộ bài thi của năm 2017 để điều tra một cách khách quan và công tâm.

HĐXX đã kiến nghị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an điều tra đối với 2 thí sinh này, nếu có căn cứ thì xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, HĐXX chấp nhận kiến nghị của các luật sư về việc giữ lại toàn bộ bài thi THPT năm 2017 trên địa bàn tỉnh Hà Giang để phục vụ điều tra.

Liên quan đến vụ việc, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 11/2019, Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô cho biết, về vấn đề gian lận thi cử tại một số địa phương, thời gian qua Bộ Công an và một số cơ quan liên quan đã điều tra, xử lý quyết liệt và nhiều người vi phạm đã bị xử lý nghiêm, đúng tội. Bộ Công an đã nhận được kiến nghị của TAND tỉnh Hà Giang liên quan đến gian lận thi cử năm 2017 và đã tiến hành điều tra.

“Chúng ta đã xử lý vụ gian lận thi cử năm 2018, 2019 thì không lý do gì Bộ Công an không tiếp tục tiến hành (xác minh điều tra) cả các vụ gian lận trước đó” - ông Tô Ân Xô thông tin.

Tại phiên tòa xét xử vụ án gian lận thi cử ngày 25/10/2019, TAND tỉnh Hà Giang tuyên phạt 5 bị cáo Nguyễn Thanh Hoài - nguyên Trưởng phòng Khảo thí Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang (Phòng khảo thí); Vũ Trọng Lương - nguyên Phó Phòng khảo thí; Triệu Thị Chính- nguyên Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang; Lê Thị Dung -nguyên sĩ quan Công an tỉnh Hà Giang; Phạm Văn Khuông -nguyên Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang về các tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”; “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi” với các mức án từ 1 năm tù treo đến 8 năm tù.

Trong đó, bị cáo Hoài đưa ra danh sách 93 thí sinh cần được nâng điểm cho Lương để bị cáo nâng điểm. Tuy nhiên, sau đó, bị cáo Lương sửa kết quả 309 bài thi trên máy tính nâng điểm cho 107 thí sinh. Ba bị cáo còn lại bị cáo buộc nhờ Hoài can thiệp, nâng điểm cho hàng chục thí sinh khác.

Theo Thanh Hà (Tiền Phong)

Nổi bật