Bị cáo Phạm Công Danh tại tòa án Hà Nội. |
Trước đó, tháng 1/2017, ông Danh bị TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên phạt 30 năm tù về các tội Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Theo bà Chi, bản án phúc thẩm trên còn quyết định trách nhiệm dân sự của ông Danh, trách nhiệm liên đới của tập đoàn Thiên Thanh (tập đoàn của ông Danh) và của chính bà.
Đơn của bà Chi thể hiện, tòa đã quyết định giải tỏa kê biên nhiều khu đất, giao lại cho ngân hàng Sacombank xử lý. Tuy nhiên, các tài sản này được thế chấp cho các hợp đồng cấp tín dụng nhằm mục đích phục vụ các giao dịch khác đang được điều tra, xử lý ở giai đoạn 2 của “đại án” Ngân hàng Xây Dựng.
Vì vậy, bà Chi cho rằng những khu đất trên là chứng cứ trong vụ án, đề nghị tiếp tục kê biên đến khi giai đoạn 2 của vụ án hoàn thành.
Bên cạnh đó, bà Chi cũng mong TAND Tối cao có công văn giải thích việc bản án phúc thẩm không đề cập việc tiếp tục kê biên hay giao lại một số tài sản khác cho Ngân hàng TNHN MTV Xây Dựng (sau khi bị mua 0 đồng) quản lý.
Tiếp đến, bà Chi khẳng định vợ chồng mình có khả năng khắc phục hậu quả số tiền 6.577 tỷ đồng theo như án sơ thẩm. Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cũng xác định giá trị tài sản thu hồi trong vụ án giai đoạn 1 lên tới 72%.
Bà Chi tính toán, nếu đối chiếu với các khoản bị coi là thiệt hại của 2 giai đoạn vụ án còn lại là 3.880 tỷ đồng thì nếu thu hồi đầy đủ, sau khi khắc phục toàn bộ vẫn thừa số tiền 2.252 tỷ đồng.
Với số tiền này, bà Chi và ông Danh xin được trả cho Ngân hàng Xây Dựng để nhận lại tài sản là 10 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu vực sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng).
Ngoài vụ án tại Ngân hàng Xây Dựng, ông Phạm Công Danh đang là bị cáo trong vụ thất thoát 2.000 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank). Ngày mai (29/9), TAND TP Hà Nội sẽ tuyên bản án sơ thẩm trong về “đại án” này.
Theo Xuân Ân (Tiền Phong)