Theo nguồn tin từ cơ quan điều tra, cơ quan chức năng triệu tập bà Hồng nhằm làm rõ một số vấn đề phục vụ điều tra liên quan vụ gây rối trật tự công cộng do hai đối tượng Nguyễn Tấn Lương và Ngô Đình Giang (Giang 36) cầm đầu xảy ra tại phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa ngày 12/6.
Công an xác định vào thời điểm xảy ra vụ nhóm giang hồ do Giang 36 cầm đầu (được Nguyễn Tấn Lương điều đến) chặn xe chở một số cán bộ công an, đã có nhiều cuộc gọi qua lại từ số điện thoại của bà Hồng và số điện thoại của Nguyễn Tấn Lương. Cơ quan điều tra triệu tập bà Hồng nhằm xác định nội dung này, ngoài ra, cũng làm rõ mối quan hệ xã hội giữa bà Hồng và Nguyễn Tấn Lương. Nguyễn Tấn Lương - nhân vật chủ chốt trong vụ án này là chủ một doanh nghiệp chuyên về xây dựng tại TP Biên Hòa. Gần đây, công ty của Lương nổi lên khi nhận được hợp đồng xây dựng nhiều dự án công. Trong quan hệ xã hội, Lương được biết có mối quan hệ mật thiết với một số cán bộ tỉnh và TP Biên Hòa, đặc biệt là ông Huỳnh Tiến Mạnh, cựu giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai và vợ ông Mạnh là bà Nguyễn Thị Hồng.
Trước ngày xảy ra vụ việc ẩu đả tại nhà hàng Lâm Viên, Nguyễn Tấn Lương xuất hiện trong sinh nhật bà Hồng trong vai trò là “người em thân thiết”. Một khu đất tại phường Thống Nhất đang được Lương san lấp làm dự án dân cư. Lương “bắn tiếng” dự án có cổ phần của bà Hồng.
Không biết quan hệ của Lương mạnh cỡ nào, nhưng người dân ở khu vực này không khỏi thắc mắc trước việc con đường của khu phố trước đây đi giữa khu đất dự án của Lương, sau đó đã “biến mất” để thay bằng lối đi khác. Tìm hiểu vụ việc, chúng tôi mới biết con đường đã được “hoán đổi” để khu đất được liền thửa.
Như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin, chiều 12/6, 2 nhóm ăn uống tại nhà hàng Lam Viên (ấp Tam Hòa, phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa) xảy ra đánh nhau.
Trong đó, nhóm ngồi ăn uống tại phòng VIP 8 gồm Nguyễn Tấn Lương (ngụ TP Biên Hòa), ông Lê Võ Trường Hải (ngụ Đắk Lắk) cùng tám người khác.
Nhóm thứ 2 ngồi ở phòng VIP 2 gồm Phạm Văn Hiền (ngụ huyện Định Quán), trung tá Nguyễn Quang Trường (đội phó đội cảnh sát 113), trung tá Đinh Tú Anh (đội trưởng đội cảnh sát trật tự Công an Đồng Nai) và đại tá Huỳnh Bảo Hùng (nguyên trưởng Phòng cảnh sát PCCC).
Qua điều tra, Công an Đồng Nai xác định vụ việc xuất phát từ việc va chạm giữa Hiền và Lương trong quán ăn. Hiền vô tình nôn ói văng dính vào quần Lương tại khu vực quầy lễ tân. Do các bên không giải quyết rốt ráo làm phát sinh mâu thuẫn, xô xát tại quán ăn...
Nguyễn Tấn Lương gọi Ngô Đình Giang (Giang "36") đến giải quyết. Giang "36" gọi thêm nhiều đối tượng xăm trổ đến chặn xe ôtô đang chở Phạm Văn Hiền. Công an được huy động đến nhưng bị đám xăm trổ bao vây, không có biện pháp trấn áp, khiến giao thông tắc nghẽn khoảng 2 giờ.
Đến nay, Công an TP Biên Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng Nguyễn Tấn Lương (37 tuổi), Ngô Đình Giang (33 tuổi), Nguyễn Duy Kỷ (còn gọi Tuấn "nhóc", 30 tuổi) và Mai Văn Căn (còn gọi Tý, 29 tuổi, cùng ngụ TP Biên Hòa) để điều tra hành vi gây rối trật tự công cộng.
Theo Chi Chi (Đời Sống Việt Nam)