Ngày 10-12, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ra quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn đối với ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế.
Theo đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao áp dụng biện pháp bắt tạm giam đối với ông Trương Quốc Cường thay thế biện pháp "cấm đi khỏi nơi cư trú" đã được phê chuẩn trước đó, để phục vụ công tác truy tố và xét xử.
Lệnh bắt tạm giam được cơ quan tố tụng đưa ra sau hơn một tháng Cơ quan an ninh điều tra khởi tố bị can đối với Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường.
Cùng ngày 10-12, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bị can Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội.
Trước đó, CQĐT đã ra quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú với ông Nguyễn Quang Tuấn.
Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết: Việc áp dụng biện pháp tạm giam hay cấm đi khỏi nơi cư trú phải căn cứ vào quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (BLTT hình sự), trên cơ sở đối với từng bị can, trong từng vụ án cụ thể.
BLTT hình sự năm 2015 quy định, tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.
Hiện CQĐT đã khởi tố bị can Nguyễn Quang Tuấn về tội Vi phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, theo quy định tại điều 222 BLHS năm 2015, với khung hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù.
BLHS sự năm 2015 quy định, tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 7 năm tù đến 15 năm tù.
Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn, mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Vẫn theo luật sư Đặng Văn Cường, Điều 119 BLTT hình sự quy định một số trường hợp sẽ không tạm giam đối với các tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng như: Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng...
Như vậy, CQĐT hoàn toàn có quyền bắt ông Nguyễn Quang Tuấn để điều tra, bởi ông Tuấn bị khởi tố về tội đặc biệt nghiêm trọng.
Vì sao trước đây ông Cường, Tuấn chưa bị bắt?
Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, trước đây, CQĐT áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Tuấn, có thể do có căn cứ cho rằng có một trong các lý do quy định tại Điều 119 BLTT hình sự.
Có thể lấy lý do đó đã hết, để đảm bảo thuận lợi cho hoạt động điều tra vụ án hình sự, CQĐT đã căn cứ vào quy định tại Điều 119 BLTT hình sự năm 2015 để áp dụng biện pháp tạm giam đối với ông Tuấn.
Luật sư cho rằng, đối với trường hợp ông Trương Quốc Cường cũng tương tự như vậy.
Trước đó, ngày 3/11, VKSND Tối cao (Vụ 3) đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can của Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đối với bị can Trương Quốc Cường về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo quy định tại Điều 360, khoản 3 BLHS năm 2015.
Thời điểm khởi tố bị can Trương Quốc Cường, Cơ quan An ninh điều tra cũng áp dụng biện pháp ngăn chặn "Cấm đi khỏi nơi cư trú" đối với bị can
Luật sư cho hay, khoản 3, Điều 360 BLHS về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng có mức hình phạt là phạt tù từ 7-12 năm nên bị can bị khởi tố theo khoản này đương nhiên sẽ bị tạm giam, trừ một số trường hợp đặc biệt như phụ nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người già yếu, mắc bệnh hiểm nghèo đến mức việc tạm giam có thể ảnh hưởng đến tính mạng theo quy định tại Điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Đến nay, bị can Trương Quốc Cường không đủ điều kiện áp dụng quy định này để cấm đi khỏi nơi cư trú nên cơ quan tố tụng buộc phải tạm giam theo quy định của pháp luật để phục vụ công tác điều tra.
Theo T.Nhung (VietNamNet)