Chiều 4/9, tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí tán thành với nhìn nhận của đại biểu rằng "vấn đề chúng ta quan tâm nhất là vấn đề oan sai, sau đó là bỏ lọt tội phạm".
“Tôi có nói với anh em trong ngành, oan sai phải là 10, còn lọt là 9. Ý tôi muốn nói, lọt còn có cơ hội khắc phục, có cơ hội làm lại, nhưng oan thì khó khắc phục lắm. Nhưng tỷ lệ tuyên không phạm tội, oan sai, lọt, luật pháp vẫn cho phép một tỉ lệ nào đó vì còn làm là còn có đúng, có sai, không thể tuyệt đối được.
Bây giờ một năm mấy chục nghìn vụ án hình sự thế này, mà giả sử có 10 vụ án tuyên không phạm tội, mình cũng băn khoăn quá. Tất nhiên không có vụ nào thì tốt, nhưng trong điều hành hiện nay, đòi tuyệt đối là không có”, ông Trí chia sẻ.
Riêng chuyện trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, theo Viện trưởng VKSND Tối cao, vấn đề là động cơ, mục đích cũng như kết quả cuối cùng. "Việc trả hồ sơ này luật cũng cho phép, nhưng chúng ta kiểm soát chỉ để một tỉ lệ nhất định, tránh bị lạm dụng".
Theo ông Trí, thực tế trong nghiệp vụ, việc quyết định trả hồ sơ bổ sung là một động tác để làm rõ bản chất tội phạm, cần phải được xử lý mà giai đoạn trước làm chưa ra. "Đến bây giờ cho qua luôn, đưa ra truy tố, xét xử là lọt. Buộc chúng ta phải trả lại hồ sơ, trong vòng 2 tháng thôi để chứng minh tội phạm thì chúng ta phải làm. Thực tế vừa qua một số vụ án đưa ra xét xử là phải làm động tác này. Vì chúng ta không hình dung ra vụ án quy mô lớn như thế, tính chất như thế...", ông Trí nói.
Viện trưởng VKSND Tối cao dẫn dụ: "Vụ án đánh bạc vừa rồi lớn như thế, phải tách ra mới làm được. Bây giờ kỳ hạn 4 tháng hết hạn thì làm sao? Nên động tác trả hồ sơ điều tra bổ sung là kỹ năng nghiệp vụ để giải quyết tiếp, 2 tháng tập trung làm rõ cho bằng được bản chất hành vi của đối tượng.
“Trước đây tôi đã có lần báo cáo với QH vì sao án tham nhũng, kinh tế cứ bị trả đi trả lại. Có những cái chúng ta thừa biết hết rồi, giờ cứ hỏi nguyên nhân hoài. Một là đối tượng có trình độ, có quan hệ, có tiền, có khả năng đối phó, thậm chí còn có những quan hệ tác động khác. Đặc biệt là tham nhũng trong hoạt động tư pháp thì xin thưa, chính cơ quan bảo vệ pháp luật vi phạm pháp luật”, ông cho hay.
Theo Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí, luật pháp vừa bảo đảm nghiêm minh về xử lý nhưng cũng phải bảo đảm quyền con người. “Người ta đối phó giỏi thì đây là sự đấu tranh, hai đối thủ ngang ngửa nhau thì trận đấu kéo dài là chuyện bình thường. Lên võ đài hai võ sĩ ngang nhau thì đánh nhau đến cùng, thậm chí hết giờ thì thôi.
Bây giờ đối tượng như thế mình cứ nói kết thúc ngay được thì tôi xin thưa chỉ có không làm thôi, chứ làm thì phải trả đi trả lại. Vừa rồi chính nhờ trả đi trả lại mà có những vụ án chúng ta xét xử được. Nếu chỉ nhìn đối tượng ở cấp huyện, cấp tỉnh thì không thấy hết khó khăn ở trung ương được”, ông Trí lý giải.
Người đứng đầu ngành kiểm sát cho rằng, đấu tranh tội phạm đối với những án được cho là đặc biệt nghiêm trọng và có đặc thù cần tiến công mạnh thì cũng cần phải mạnh tay. Mà mạnh tay thì dễ oan sai, dễ lố, còn thận trọng, cẩn trọng thì ít có oan sai nhưng dễ lọt. “Giờ muốn khám phá nhiều tội phạm thì phải mạnh tay, mà mạnh tay thì chính sách đối với bồi thường nhà nước thế nào? Đối với kỷ luật từng ngành thế nào? Mình đặt mình là kiểm sát viên hay điều tra viên mình có dám nhào tới không khi không có ai bảo đảm cho mình kỷ luật ngày mai, hoặc trách nhiệm bồi thường? Bây giờ cần có chính sách phù hợp cho anh em”, ông Trí nói.
Đề cập đến vụ ông Nguyễn Khắc Thủy dâm ô, viện trưởng cho biết, ông đã phải nói với Viện trưởng VKSND tỉnh Vũng Tàu phê chuẩn lệnh khởi tố, còn sau này chứng minh không được thì đình chỉ, không có thi đua gì ở đây cả. Thế mới xử được. Còn suốt 6 tháng, VKSND tỉnh Vũng Tàu không khởi tố được, vì chỉ có lời tố giác duy nhất. “Tôi có thể suy nghĩ giải quyết vấn đề này nhưng công an, tòa cũng phải đồng bộ để anh em yên tâm làm”, ông nhấn mạnh.
Cũng theo Viện trưởng Trí, Quốc hội nên ban hành Nghị quyết chống lọt tội phạm, vì lọt là mầm mống của tiêu cực, mặc dù không dễ, bởi mỗi ngành đều có những khó khăn riêng.
“Trong cái khó chúng ta cố gắng làm nhưng không thể tuyệt đối. Chỉ làm sao tốt dần lên và con số càng ngày càng tốt hơn chứ không thể hy vọng con số tuyệt đối. Hơn 100 nghìn vụ án hình sự mỗi năm không thể nào nói không có lọt. Ngay cán bộ bây giờ muốn thay, muốn đổi cũng không dễ dàng, cũng phải chờ hết tuổi, chờ đến nghỉ hưu, chứ không phải thấy làm không ngon là kiểm điểm, rồi cho nghỉ ngay. Không làm được thế”, Viện trưởng cho hay.
Bên cạnh đó, ông Trí cũng cho rằng, việc đào tạo cán bộ phải có lộ trình. Vừa qua luật mới ban hành rất nhiều nhiệm vụ, rất nhiều yêu cầu, áp lực anh em rất ghê gớm, cả cơ quan điều tra, VKS và tòa cũng vậy. Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước đè nặng lên trách nhiệm của anh em như thế, nhưng yêu cầu chống oan sai và chống bỏ lọt rất cao.
“Tôi đang cho điều chỉnh lại quy chế nghiệp vụ của ngành kiểm sát. Sắp tới tai nạn nghề nghiệp, tôi cho qua, chỉ cố ý làm trái, cố ý làm sai pháp luật tôi mới xử”, ông Trí cho hay.
Theo Luân Dũng (Tiền Phong)